Tai, cổ, gáy, bụng, bàn chân, những khớp xương… là những bộ phận trên cơ thể cần được giữ ấm nếu không muốn bị nhiễm lạnh trong những ngày đông giá rét.
Gia tăng bệnh nhân nhập viện
Ghi nhận tại các bệnh viện sau một tuần thời tiết miền Bắc trong đó có Hà Nội chuyển lạnh sâu, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh lý hô hấp nhập viện gia tăng.
Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, Ths. BS Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính cho biết, nếu như trước đây, khoa điều trị khoảng 200 bệnh nhân nội trú/tháng thì thời gian này số lượng bệnh nhân tăng lên 250 -280 người.
Bệnh nhân nhập viện đều có mối liên quan đến thời tiết, môi trường. Trong đó, BS Thành nhấn mạnh, thời tiết là yếu tố nguy cơ đối với các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh sâu.
“Phổi là cơ quan trực tiếp thông thương (giao lưu) với môi trường bên ngoài khi chúng ta hít thở. Tất cả sự thay đổi bên ngoài môi trường đều ảnh hưởng tới phổi. Đặc biệt, đối với các trường hợp có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người có bệnh lý nền (mạn tính hô hấp như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản hoặc suy giảm miễn dịch)… rất dễ bị tổn thương khi thời tiết giao mùa”, BS Thành cho hay.
Lý giải thêm, bác sĩ cho biết không khí đi vào cơ thể thường được các cơ quan hô hấp mũi, miệng sưởi ấm. Nếu không khí bị lạnh việc sưởi ấm khó hiệu quả hơn.
Ngoài ra, thời tiết lạnh, thay đổi môi trường khiến khả năng bảo vệ tại chỗ của cơ thể bị giảm sút, đặc biệt đối với người có bệnh nền. Bên cạnh đó, môi trường sống có chứa rất nhiều chất độc hại, ô nhiễm, càng tạo điều kiện cho các yếu tố nguy cơ phát huy tác nhân gây bệnh.
Những bộ phận cơ thể tuyệt đối giữ ấm
Mặc dù trời đã chuyển đông, nhiệt độ ngoài trời xuống thấp nhưng tập thể dục, thể thao buổi sáng vẫn là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, nhiều người vẫn giữ thói quen đi tập quá sớm, đặc biệt người già, người có bệnh lý nền khiến cho cơ thể không kịp thích ứng với thời tiết, tạo điều kiện cho những bệnh nguy hiểm phát tác như tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, hen, dị ứng, viêm phế quản…
Đi tập thể thao buổi sáng sớm trong những ngày rét cần lưu ý giữ ấm những bộ phận nào trên cơ thể?
Tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện- PGS. TS. BS Võ Tường Kha thông tin với PV Infonet, từng cấp cứu những bệnh nhân đột quỵ, tai biến mạch máu não mà nguyên nhân là do đi tập thể dục quá sớm trong thời tiết lạnh giá.
“Hầu hết những trường hợp này, các bác sĩ chỉ có thể xử lý cấp cứu ban đầu sau đó phải khẩn trương chuyển tuyến vì tình trạng bệnh rất nặng”, PGS. TS. BS Võ Tường Kha thông tin.
Để phòng tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra với những người đi tập thể dục, thể thao buổi sáng sớm trong những ngày lạnh, PGS. TS Võ Tường Kha khuyến cáo, cần phải mang đầy đủ áo ấm, găng tay.
“Tôi vẫn luôn lưu ý người dân cần phải tự kiểm tra sức khỏe của mình trước khi tập luyện. Với những người mắc bệnh lý tim mạch, huyết áp, các bệnh lý về cơ xương khớp thì không nên đi tập thể dục lúc sáng sớm, hay đêm khuya khi trời lạnh, nhiệt độ ngoài trời xuống thấp.
Với người có đủ điều kiện thì có thể tập luyện. Tuy nhiên không chỉ ở trong nhà mà khi ra ngoài trời thì một số vùng trên cơ thể cần được giữ đủ ấm như: tai, cổ, gáy, bụng, bàn chân, những khớp xương. Đây là những bộ phận trong cơ thể dễ bị nhiễm lạnh trước nên cần che kín.
Ngoài ra, quế, gừng cũng là những thực phẩm hữu dụng có tác dụng làm ấm cơ thể, phòng tránh rét. Theo đó, một lát gừng hay một miếng quế ngậm khi đi tập thể dục cũng có tác dụng làm nóng cơ thể. Ngoài ra có thể dùng các loại tinh dầu nóng để xoa bụng, gan bàn chân giữ nhiệt”, PGS. TS Võ Tường Kha khuyến cáo.
N. Huyền