Doppelmayr, Bill Bensley, Parente, Hani Abaza,… đằng sau thành công của du lịch Đà Nẵng là những cái tên mà rất ít người Việt biết tới.
Một du khách thông thường có thể kể ra hầu hết những địa chỉ du lịch quan trọng của Đà Nẵng, từ Bán đảo Sơn Trà nơi có khu nghỉ dưỡng nổi tiếng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort cho đến khu du lịch Bà Nà Hills. Đơn giản, chúng cũng là những cái tên đã nổi tiếng toàn cầu – khi Đà Nẵng vươn mình trở thành một điểm đến quốc tế.
Nhưng sẽ rất ít người biết rằng Hani Abaza là ai, Doppelmayr là “ông nào”. Đằng sau nguồn vốn của các nhà đầu tư tư nhân đổ vào Đà Nẵng, là những tên tuổi hàng đầu thế giới nối đuôi nhau đến mảnh đất này. Những cái tên đó có thể không có ý nghĩa với khách tham quan, nhưng đó lại là những chỉ dấu quan trọng cho sự phát triển, vị thế và sức hấp dẫn của thành phố.
InterContinental Danang Sun Peninsula Resort & Nhà thiết kế khó tính
Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula do Tập đoàn Sun Group đầu tư và Tập đoàn InterContinental Hotel Group (IHG) quản lý, được mệnh danh là “resort của những cái nhất”. Ngoài hàng trăm giải thưởng danh giá nhất của thế giới trong lĩnh vực du lịch, nơi đây cũng từng được chọn tổ chức những phiên họp quan trọng của Diễn đàn kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương APEC 2017, và là nơi nghỉ ngơi của các nhà lãnh đạo những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Kiến trúc sư Bill Bensley, ông vua của những resort dị biệt trên thế giới (theo tạp chí Time), là tác giả thiết kế nên khu nghỉ dưỡng với hơn 200 phòng đều hướng biển, kết hợp nhuần nhuyễn kiến trúc hiện đại với tinh hoa văn hoá Việt này. Với tính cách của Bill Bensley, để đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như sự hài hoà với cảnh quan, tôn trọng môi trường tự nhiên, rất nhiều hạng mục công trình được thi công thủ công hoàn toàn, khiến thời gian và chi phí đều bị trội lên nhiều lần.
Hơn 10 năm trước, ở Việt Nam du lịch chưa phải là ngành mũi nhọn, không nhiều doanh nghiệp có đủ năng lực cũng như tham vọng để đầu tư cho một khu nghỉ dưỡng có quy mô như InterContinental Danang Sun Peninsula. Bản thân vị kiến trúc sư khi nhận lời đề nghị từ chủ đầu tư cũng không tin rằng công trình của mình có thể trở thành một dự án mang tính biểu tượng, vượt qua những thành công trước đây.
Thế nhưng với tâm huyết của cả đôi bên, trái ngọt dành cho họ là một resort có vị thế hàng đầu trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở Việt Nam. Danh sách những người nổi tiếng, nhà tài phiệt, các gia đình thượng lưu và ngôi sao giải trí “check-in” nơi này vẫn không ngừng tăng lên. Đà Nẵng nổi tiếng toàn cầu trong lĩnh vực nghỉ dưỡng cao cấp, cũng từ khi InterContinental Danang được vinh danh với giải thưởng Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới bởi World Travel Awards.
Sun World Ba Na Hills & Nhà làm “cáp gia truyền”
Năm 2019 đánh dấu kỷ niệm 10 chính thức vận hành tuyến cáp treo Bà Nà – Suối Mơ, tiền đề của khu du lịch Sun World Ba Na Hills, được du khách ví von như “Disneyland của Việt Nam”.
Đến nay cáp treo Bà Nà đã được Tổ chức Guinness xác lập cùng lúc 4 kỷ lục mà không cáp treo nào khác trên hành tinh đạt được, gồm: cáp treo có chiều dài nhất (5.771,61m), cáp treo có độ chênh giữa ga đi và ga đến cao nhất (1.368,93m), tuyến cáp có tổng chiều dài cáp dài nhất (11.587m) và có trọng lượng cáp nặng nhất thế giới (141,24 tấn).
Hệ thống cáp này được thiết kế bởi Doppelmayr Garaventa của Thụy Sĩ, một trong những hãng sản xuất cáp treo lâu đời nhất thế giới. Doppelmayr được thành lập từ năm 1892 như một hãng sửa chữa máy công cụ, và trong thập kỷ 30, là nhà thi công những đường cáp nâng người trượt tuyết đầu tiên tại châu Âu. Doppelmayr cũng là một trong số rất ít công ty đa quốc gia có tuổi đời hơn một thế kỷ mà người điều hành vẫn là người mang tên của công ty (ông Michael Doppelmayr, đời thứ 3 của dòng họ), một chỉ dấu cho sự bền vững.
Khi chủ đầu tư Sun Group nhận lời với Đà Nẵng, thi công tuyến cáp số 1 chỉ trong 1 năm, chính những kỹ sư của Doppelmayr cũng phải lắc đầu “không thể”. Nhưng quyết tâm của chủ đầu tư, sự kiên cường và sáng tạo của những kỹ sư Việt Nam, cùng với những công nghệ cáp hàng đầu thế giới của nhà làm cáp gia truyền từ Thụy Sỹ đã chiến thắng, để Đà Nẵng có một Bà Nà Hills xứng danh đường lên tiên cảnh hôm nay.
Vũ hội Ánh Dương – cuộc hội ngộ những nhân tài
Hơn 100 tỉ đồng đầu tư, hơn 200 diễn viên nước ngoài và hàng ngàn nhân sự người Việt, 1000 bộ trang phục, khán đài 3500 chỗ chưa một lần trống chỗ, một ekip sáng tạo với nhiều tên tuổi lớn trong nước và quốc như “phù thuỷ sân khấu” Phạm Hoàng Nam, biên đạo múa Hani Abaza, nhạc sỹ Huy Tuấn, nhà thiết kế thời trang Tom Trandt… Đó chính là những con số ấn tượng của Vũ hội Ánh Dương – một chương trình nghệ thuật được giới chuyên môn và khán giả đánh giá là một show diễn mang đẳng cấp quốc tế.
Nhìn vào CV của Hani Abaza, sẽ thấy những tên tuổi mà anh từng hợp tác: Adele, Kelly Clarkson, Mandy Moore… Biên đạo múa người Canada hiện là thành viên của Hội đồng khiêu vũ thế giới (International Dance Council) – đối tác của UNESCO trong việc bảo trợ “mọi hình thức khiêu vũ tại mọi quốc gia trên thế giới”.
Ngoài Hani Abaza, Cara Volchoff cũng là một tên tuổi mà không phải show nào cũng có sự tham gia của chuyên gia quản trị hệ thống mang tầm quốc tế này. Bà là một nhà sản xuất/đạo diễn đến từ Canada, cũng là một nghệ sĩ tên tuổi trong ngành công nghiệp giải trí và nghệ thuật ngày nay.
Còn nhà thiết kế thời trang Tom Trandt cũng đã ghi tên mình là đại diện duy nhất của Việt Nam trong số 16 NTK trên toàn thế giới tham gia International Fashion Showcase (Triển lãm thời trang quốc tế – IFS) 2019 tại London. Sự thành công của show diễn đình đám tại Bà Nà Hills cũng bởi có những tên tuổi này. Và cũng nhờ họ, Đà Nẵng có thêm một niềm tự hào.
Ironman 70.3 Đà Nẵng 2019 – Đường chạy của những nhà vô địch
IRONMAN 70.3 Vietnam là sự kiện thể thao tầm vóc quốc tế lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đây còn là một trong những cuộc thi thể thao khắc nghiệt nhất hành tinh, hội tụ những vận động viên giỏi nhất, bền bỉ nhất trên khắp các châu lục. Tổng giải thưởng của sự kiện tại Đà Nẵng năm 2019 lên đến 75.000 USD. Ngoài ra còn có 50 suất tham dự giải Vô Địch Thế Giới Ironman 70.3 tại thành phố Nice (Pháp).
Không có gì ngạc nhiên khi giải này tập trung những tên tuổi hàng đầu thế giới. Có thể những cái tên này không phổ biến với người Việt, nhưng họ lại là bằng chứng cho tầm vóc thế giới của Đà Nẵng: Patrick Lange hay Holly Lawrence đều là những huyền thoại trong ba môn phối hợp, những nhà vô địch thế giới thực thụ. Các nhãn hàng như Adidas hay Audi phải đổ hàng triệu USD để được gắn tên cùng một VĐV như Patrick Lange, trong khi thương hiệu “Đà Nẵng” thì miễn phí.
Sự kiện đã thu hút 2.200 VĐV từ 50 quốc gia cùng hàng nghìn người hâm mộ đến với Đà Nẵng trong tháng 5/2019. Việc tổ chức thành công sự kiện này giúp Đà Nẵng tiếp tục khẳng định thương hiệu thành phố sự kiện, điểm đến của lễ hội hàng đầu châu Á.
Tinh thần bứt phá vượt lên chính mình của cuộc thi cũng chính là thông điệp mà Đà Nẵng muốn thể hiện trong suốt một thập kỷ qua: Đó chính là sự bứt phá, sáng tạo, nỗ lực và biến những điều không thể thành có thể.