logo
banner top

Nhiều cha mẹ sợ con hư hỏng nhưng lại không biết sợ con trở nên hèn kém và thiếu tự tin

Ngày đăng: 22/07/2019 14:51

Thay vì làm trẻ sợ hãi, chúng ta cần dạy cho trẻ hiểu. Giống như thay vì khiến trẻ sợ chảy máu, sợ bị bỏng thì nên dạy trẻ biết cầm dao, nhóm lửa.

Buổi sáng, tôi chợt nghe thấy tiếng bé Nhím mới lên hai tuổi nhà hàng xóm khóc ré lên nên chạy vội sang xem. Tưởng bé bị ngã nhưng hóa ra không phải. Bé bị bố đánh, tay người bố vẫn lăm lăm cái roi. Thì ra trong lúc cáu kỉnh, bé đã buột miệng chửi tục với bố một câu mà không biết học được ở đâu. Xót thằng bé, tôi can:

– Nó còn bé, biết gì đâu mà đánh nó, tội nghiệp.

– Không được. Phải đánh thật đau cho nó chừa, lần sau nó không dám nói bậy nữa.

Không phải chỉ một, hai gia đình chọn cách “đánh cho chừa” để dạy con mà có lẽ hầu hết mọi gia đình trong nền văn hóa của chúng ta đều dạy con cái bằng đòn roi với niềm tin mãnh liệt là “thương cho roi cho vọt”. Ai cũng chỉ biết rằng nếu nuông chiều một đứa trẻ có thể khiến nó “hư” mà không biết rằng nếu quá khắt khe cũng có thể khiến một đứa trẻ “hỏng”. Chúng ta thường lựa chọn cách giáo dục bằng nỗi sợ hãi để trẻ “đòn đau nhớ đời”. Nhiều người không đánh đòn thì cũng khiến trẻ hoảng sợ với các hình phạt, với sự chửi mắng hoặc khiến trẻ ngập trong cảm giác tội lỗi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ngay khi còn bé, vì muốn đứa trẻ nghe lời hay cố nuốt thêm miếng cơm, người lớn dọa nạt bằng đủ thứ như ông ba bị, con ma, kẻ bắt cóc, chú công an, bác sĩ tiêm. Lợi ích ngắn hạn thì thấy rõ ngay lập tức nhưng cái hại lâu dài thì không phải ai cũng lường được. Những lời dọa nạt ngấm vào trong đầu đứa trẻ khiến nó trở nên nhút nhát, sợ hãi khi có bóng tối, không dám ở một mình. Khi gặp nguy hiểm, đáng lẽ nên chạy về phía công an để được bảo vệ thì lại chạy đi. Khi bị bệnh thì đáng lẽ sẽ yên tâm khi thấy bác sĩ, đằng này lại rơi vào cảm giác hoảng loạn khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn nhiều.

Chúng ta cứ sợ hãi con hư hỏng mà không biết sợ con sẽ trở nên hèn kém, nhút nhát, thiếu tự tin.

Với những đứa trẻ như bé Nhím, nhận thức của bé hoàn toàn chưa có đủ để hiểu được mình nói bậy là đúng hay sai. Đòn roi khi ấy có thể khiến bé không dám lặp lại từ nói bậy ấy nữa nhưng bé sẽ không hiểu được cụ thể rằng nói bậy là xấu để không tránh nói từ bậy khác lần sau.

Để tránh con bị tổn thương, chúng ta chọn cách cấm đoán con thay vì hướng dẫn con. Chúng ta cấm đoán con yêu đương, thậm chí đánh đập, trừng phạt, ép con phải từ bỏ nếu con lỡ có tình cảm với một ai đó. Chúng ta luôn nói rằng muốn tốt cho con nhưng hóa ra lại khiến con tổn thương quá nhiều mà không thực sự hiểu mình nên làm gì và đã sai ở đâu.

Nhiều người trong thế hệ của chúng ta cũng từng lớn lên với đòn roi, chửi mắng và hình phạt, cấm đoán dù ít hay nhiều. Chúng ta bước vào đời với tâm thế của những kẻ sợ bị thua cuộc. Chúng ta không dám nói lên chính kiến, không dám đấu tranh cho sự thật vì sợ bị trù dập hay bị phạt. Chúng ta dạy con y như cách mình được học ngày xưa mà tin rằng như thế là đã nên người. Bằng cách gieo cho con nỗi sợ hãi, chúng ta đã tước hết ở trẻ sự chính trực và can đảm cần có ở một người.

Theo Hàn Băng Vũ

Theo Gia Đình & Xã Hội

Tags: , ,