Một số người thậm chí chỉ đến phòng tập để xông hơi. Tuy nhiên, phương pháp này chủ yếu mang đến những lợi ích khác bên cạnh giảm cân.
Tác động của liệu pháp xông hơi tớ cơ thể. Ảnh: Crystalweed_cannabis.
Chia sẻ với PV, Nguyễn Tuấn Hùng (27 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội) cho hay anh cùng đồng nghiệp có thói quen đến phòng gym khoảng 2 buổi mỗi tuần. Tuy nhiên, thay vì tập luyện, xông hơi là mục tiêu chính của nam thanh niên này.
“Thú thực, tôi không quá hứng thú với gym. Được công ty hỗ trợ chi phí nên tôi vẫn đăng ký. Tôi chủ yếu đến để chạy bộ, bơi và nhất là xông hơi. Dù sao, tôi vẫn nghĩ phương pháp này có lợi cho sức khỏe”, Hùng nói.
Trên thực tế, các phòng tập thường bố trí đủ 2 loại xông hơi để phục vụ khách hàng gồm xông hơi khô (sauna) và xông hơi ướt (steam room). Trong cả 2 cách này, người dùng đều ngồi trong một căn phòng nhỏ cùng nhiệt độ cao. Sự khác biệt duy nhất là loại nhiệt chúng tạo ra.
Xông hơi khô sử dụng nhiệt khô, thường từ đá nóng hoặc một loại bếp kín. Trong khi đó, phòng xông hơi ướt thường được làm nóng bằng các loại máy chứa nước sôi và phả ra hơi nước nóng.
Tác động tới cơ thể
Khi các phương pháp xông hơi được sử dụng rộng rãi, nhiều nguồn thông tin đã được đưa ra nói về lợi ích của chúng. Các lợi ích này thường bao gồm hỗ trợ quá trình trao đổi chất tốt hơn, giảm cân, hạn chế căng thẳng, cải thiện chức năng tim mạch, giảm đau, chống lão hóa…
Ông Joy Hussain, nhà nghiên cứu về liệu pháp này, đã đưa ra bằng chứng về mặt y tế thông qua một nghiên cứu được đăng tải trên PubMed Central năm 2018 cho thấy những thông tin trên còn chưa đầy đủ và thiếu cơ sở.
Xông hơi mang đến nhiều tác động có lợi cho sức khỏe. Ảnh minh họa: Huum.
Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng xông hơi có tác dụng nhất định đối với các chức năng của hệ tuần hoàn, tim mạch và hệ miễn dịch.
Đây là một trong những lợi ích lớn nhất của xông hơi khi viêm mạn tính là một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều hàng đầu thế giới. Tình trạng viêm liên quan tới nhiều bệnh mạn tính như đột quỵ, bệnh hô hấp, rối loạn tim mạch, ung thư, béo phì, tiểu đường…
Trong khi đó, nghiên cứu đăng tải trên PubMed Central đã phát hiện ra rằng xông hơi thường xuyên giúp làm giảm lượng protein C-reactive (CRP) của cơ thể. Đây là yếu tố ảnh hưởng tới quá trình bơm máu trong tình trạng viêm toàn thân.
Dù vậy, vẫn cần thêm những nghiên cứu sâu hơn để khẳng định mối quan hệ chính xác giữa xông hơi và tình trạng viêm.
Một nghiên cứu khác cho thấy các phương pháp làm tăng nhiệt độ cơ thể tạm thời, từ đó giảm viêm còn giúp ích cho những người gặp hạn chế về mặt thể chất hoặc nhận thức, dẫn đến không thể tập luyện thường xuyên.
Khảo sát được đăng tải trên Tạp chí Jama với hơn 2.000 nam giới ở Phần Lan đã chỉ ra rằng mức độ CRP của những người xông hơi thường xuyên thấp hơn nhóm không áp dụng phương pháp này.
Ngoài ra, nhiều cuộc thảo luận cũng đã nổ ra trong giới y học về việc xông hơi có thể cải thiện sức khỏe con người. Trong đó, một số lợi ích về sức khỏe thường được nhắc tới nhất bao gồm:
Cải thiện lưu thông: Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy không khí nóng, ẩm từ xông hơi giúp cải thiện tuần hoàn, nhất là ở cẳng chân. Cải thiện lưu thông có thể giúp cơ thể hạ huyết áp và tăng sức khỏe tim mạch, thúc đẩy quá trình hồi phục mô da.
Phòng xông hơi tạo ra môi trường giúp làm ấm các dịch nhầy, từ đó hỗ trợ chúng ta hít thở sâu hơn. Cũng nhờ vậy, người xông hơi có thể thông các khu vực bị tắc nghẽn trong xoang và phổi dù chỉ mang tính chất tạm thời. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu về tác dụng này vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Một nghiên cứu lớn hơn được công bố trên PubMed Central cho thấy thông qua việc xông hơi, cơ thể một số người sẽ giải phóng các loại hormone làm thay đổi nhịp tim, một trong số đó là aldosterone. Hormone này khi được giải phóng có thể làm cải thiện tình trạng huyết áp cao, từ đó mang lại cảm giác thư thái thường thấy trong phòng xông hơi.
Một số giả thuyết cho rằng sức nóng của phòng xông hơi giúp cơ thể sản xuất endorphin – một loại hormone tạo ra cảm giác dễ chịu. Trong khi đó, giả thuyết khác cũng cho rằng xông hơi làm giảm mức độ cortisol – hormone sinh ra khi cơ thể căng thẳng.
Trong cuộc sống hàng ngày, các độc tố, cặn bẩn có thể kẹt dưới da. Xông hơi giúp giải quyết vấn đề này khi thông qua nhiệt độ cao mở lỗ chân lông. Hơi nước ngưng tụ từ đó làm sạch bụi bẩn và da chết.
Nhiệt độ từ xông hơi có thể tác động sâu vào mô cơ và giảm tình trạng đau cơ sau tập luyện.
Khi xông hơi, nhịp tim của chúng ta sẽ tăng lên hoặc kéo dài nhịp tim đó sau khi tập, giúp đốt calo tốt hơn. Tuy nhiên, đây không phải cách giảm cân tốt nhất. Nếu con số trên cân giảm sau khi xông hơi, đó hoàn toàn là nước và chúng ta sẽ cần bổ sung để tránh mất nước.
Rủi ro
Dù có nhiều lợi ích, việc xông hơi có thể mang lại một số nguy cơ nếu chúng ta lạm dụng liệu pháp này. Cụ thể, ở trong phòng xông hơi quá 15 phút có thể khiến cơ thể mất nước.
Có những rủi ro nhất định khi lạm dụng xông hơi. Ảnh minh họa: Huum.
Mặt khác, phòng xông hơi cũng tiềm ẩn nhiều mầm bệnh từ người khác. Hơi nước lại không đủ nóng để tiêu diệt các vi khuẩn, thậm chí làm tăng số lượng vi khuẩn trong môi trường.
Một số trường hợp cần tránh xông hơi nếu chưa có chỉ định từ chuyên gia y tế gồm: Phụ nữ đang mang thai, người suy giảm miễn dịch, bệnh nhân vừa phẫu thuật.
Ngoài ra, những rủi ro khác của việc xông hơi khi lạm dụng còn là bỏng, chuột rút, chóng mặt, ngất, kiệt sức do nhiệt, say nóng.
Các chuyên gia cũng lưu ý không nên xông hơi khi chúng ta đang bị sốt. Nguyên nhân là nhiệt độ cao từ hơi nước có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể đến mức nguy hiểm, dẫn đến khó thở, thậm chí say nóng.
Quốc Toàn