Trong bối cảnh đó, dấu chân tiên phong của Bình Định chắc chắn chịu nhiều áp lực. PV Lao Động đặt câu hỏi với người “đứng mũi chịu sào”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng.
Ông Hồ Quốc Dũng mở đầu: “Di dời nhóm khách sạn Hải Âu, Hoàng Yến, Bình Dương không phải ý chí đơn lẻ từ cá nhân nào. Đó là quyết định của tập thể lãnh đạo, phản ánh ý nguyện đông đảo nhân dân”.
Thưa ông, tại sao là thời điểm này?
Từng có thời quay lưng ra biển, Quy Nhơn những năm gần đây định hình bằng diện mạo khác. Các trục đường lớn An Dương Vương, Xuân Diệu, quảng trường trung tâm cùng hệ thống công viên liền kề… đã biến biển thành “mặt tiền” tinh khôi, thoáng đãng. Trong quá trình chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, các thế hệ lãnh đạo Bình Định luôn xem không gian biển là tài sản chung. Biển Quy Nhơn đẹp hơn, tráng lệ hơn là để phục vụ cộng đồng.
Có một thực tế là trong các đô thị biển, Quy Nhơn là TP ít bị rào chắn, che cắt tầm nhìn ra biển nhất. 3 khách sạn phải di dời là một “tồn tại mang tính lịch sử”.
Cũng có thêm lý do để việc giải tỏa diễn ra thuận lợi tại thời điểm này chứ không phải lúc nào khác: Sự đồng thuận, khả năng ngân sách, mức độ sẵng sàng về mặt bằng nơi cơ sở kinh doanh được tái bố trí…
Như ông nói, số đông đồng tình nhưng không phải không xuất hiện tâm trạng ngậm ngùi nhớ tiếc. Với những ai từng biết Quy Nhơn thì Hoàng Yến, Hải Âu, Bình Dương cách đây chưa lâu vẫn là hạ tầng lưu trú sáng giá nhất trong lòng một đô thị có phần lặng lẽ. Còn hơn một cơ sở kinh doanh, đó là bộ mặt, ký ức, di sản…
– Tôi đã nói điều này trong buổi gặp báo chí hồi đầu tuần. Chúng tôi đánh giá cao và thực lòng cảm kích về đóng góp to lớn của các doanh nghiệp tạo lập nên cụm khách sạn hàng đầu. Họ là những nhà đầu tư tiên phong mà công cuộc khai phá không hiếm phen trầy vi tróc vảy.
Không thua lỗ, khó khăn sao có nhà đầu tư rút lui, chuyển nhượng cơ ngơi cho đối tác, như trường hợp khách sạn Hoàng Yến. Đóng góp ngân sách, giải quyết việc làm, điều quan trọng là các khách sạn trên đã cáng đáng rất tốt vai trò thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.
Tuy nhiên, đến lúc buộc phải lựa chọn giữa lợi ích cộng đồng và doanh nghiệp thì chia sẻ từ phía nhà đầu tư là cần thiết. Chưa nói, tỉnh sao có thể đẩy họ vào tình thế bế tắc?
Bình Định đã đi những bước ra sao?
– Có lần ở Hải Âu, rất đông người lao động vây quanh tôi, lo lắng hỏi bao giờ… đập khách sạn? Rồi, tương lai của họ ra sao? Băn khoăn thật chính đáng. Thế nhưng, có ai thôi thúc phá dỡ Hải Âu đâu? Làm gì có chuyện nói xong là đẩy hàng trăm con người ra đường liền.
Tỉnh chủ trương thực hiện kiên quyết nhưng có lộ trình, đảm bảo hài hòa lợi ích chung – riêng chứ không vì mục tiêu tốt đẹp mà dồn ép, bắt bí nhà đầu tư. Còn nhiều việc phải làm: Định giá tài sản, tính toán phương án đền bù, hỗ trợ (Hoàng Yến còn hạn thuê đất đến năm 2052, Hải Âu hết hạn trong năm 2019), bố trí đất… Phải để người ta xây khách sạn mới rồi mới di dời.
Bình Dương thuộc Bình đoàn 15 là cơ sở di dời trước. Bộ Quốc phòng đã đồng ý. Tỉnh hỗ trợ 32 tỉ đồng. Khu đất trên đường Nguyễn Văn Trỗi cũng đã thỏa thuận xong.
Tất cả đều xuôi chèo mát mái, thưa Chủ tịch?
– Tiếp xúc cử tri, tôi vẫn còn đối mặt câu hỏi: Tồn tại hay không tồn tại? Vẫn còn vấn vương tâm lý “hoài cổ”, nặng lòng với hình ảnh, công trạng cụm khách sạn vang bóng một thời. Thậm chí có người nghi hoặc, rằng “bứng” khách sạn cũ chỉ vì lợi ích ai đó bên kia đường An Dương Vương!
Với các nhà đầu tư, phải thuyết phục nhiều lần họ mới thoải mái. Ra làm việc với Bộ Quốc phòng, đoàn công tác của tỉnh phải giải trình kỹ về tương lai khu đất mà khách sạn Bình Dương sẽ dời đi. Tôi hứa với Bộ trưởng: “Chỉ để làm công viên, nếu sử dụng sai mục đích, tôi chịu kỷ luật”. Dám chấp nhận “đau đớn” thì mới có được một Quy Nhơn tươi đẹp, thân thiện, nhân văn hơn.
-Cảm ơn ông.