Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân, sau quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, các ĐBQH đang tranh luận, bàn thảo về tính đúng đắn trong áp dụng pháp luật. Tại sao, Phó Chánh án TAND Tối cao lại nói ĐBQH đưa ra những nhận xét chủ quan, dựa trên thông tin mạng xã hội.
Sau khi phát biểu của Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ được báo chí đăng tải (ngày 12/5), ĐBQH Lê Thanh Vân đã lên trang Facebook cá nhân viết: Tôi tìm mãi trong Hiến pháp cùng các đạo luật về tổ chức và hoạt động của Quốc hội nước ta, để tìm xem có quy định nào cho phép Phó Chánh án TAND Tối cao được “kết tội” ĐBQH là phát ngôn “nguy hiểm” khi họ thực hiện quyền giám sát của mình không, nhưng tìm không ra. Phải chăng ông Nguyễn Trí Tuệ tự cho mình cái quyền nhân danh cơ quan xét xử để phán quyết ý kiến của ĐBQH – người mà Hiến pháp trao sứ mệnh đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân?.
ĐBQH Lê Thanh Vân (ảnh IT).
Là một trong những ĐBQH lên tiếng về vụ án Hồ Duy Hải, qua những bài trả lời phỏng vấn báo chí, viết status trên trang Facebook cá nhân, ông có cho rằng các phát biểu của mình bị các đối tượng xấu lợi dụng tạo “sự nguy hiểm”?
– Tôi rất thận trọng khi viết status, đặc biệt khi trả lời phỏng vấn báo chí. Mặc dù tôi nói rất mạnh nhưng lại rất thận trọng trong câu chữ. Khi tôi xem xét một vấn đề nào đó bao giờ cũng xem xét nhiều chiều, điều gì hiểu rõ ràng thì nói, điều gì chưa rõ ràng thì không nói.
Trong vụ án Hồ Duy Hải, góc nhìn của tôi là sự tuân thủ pháp luật, một số người hiểu nhầm cho rằng tôi nói về sự tuân thủ pháp luật tố tụng hình sự đồng nghĩa với việc bảo vệ cho Hồ Duy Hải. Hiểu như vậy là không đúng. Việc hiểu sai như thế mới là sự lạm dụng xuyên tạc, bịa đặt.
Khi trả lời phỏng vấn, tôi đưa ra quan điểm của mình trong đó không hề bao che, biện hộ hoặc tìm những chứng cứ trên mạng xã hội. Nếu ai nói tôi dựa trên thông tin từ mạng xã hội để phát biểu về vụ án Hồ Duy Hải thì đó là sự bịa đặt.
Để có được thông tin khi đưa ra quan điểm sau quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, ông dựa vào đâu, liệu thông tin đó đã đầy đủ?
– Với trách nhiệm là ĐBQH, tôi theo dõi phiên tòa vụ Hồ Duy Hải trên cơ sở các báo chính thống đưa tin. Theo Luật, ĐBQH có quyền được đề nghị đến dự phiên giám đốc thẩm nhưng tôi thấy không cần thiết phải thế. Với thẩm quyền của ĐBQH, tôi cũng có thể đề nghị Tòa án cung cấp tài liệu. Nói tóm lại tôi không thiếu gì cách để theo dõi diễn biến phiên tòa. Có thể, theo dõi cả trên mạng xã hội nhưng điều quan trọng là phải phân biệt đâu là thông tin đúng, đâu là thông sai.
Vấn đề nào cũng có tính hai mặt (tích cực và tiêu cực), mạng xã hội cũng vậy, nhưng đừng vì thế mà mỉa mai mạng xã hội. Đọc báo hôm qua, tôi thấy trong phát biểu của ông Nguyễn Trí Tuệ, dường như ông có định kiến với mạng xã hội nên mới nói như vậy.
Ông Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ nói rằng: “nguy hiểm hơn” một số ĐBQH phát biểu không đúng về nội dung vụ án”, tôi không biết ông đang nói ĐBQH nào. Nhưng với tư cách là ĐBQH đã lên tiếng sau quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, cá nhân tôi khẳng định những nội dung trả lời phỏng vấn của tôi trên báo chí hoàn toàn không dựa vào thông tin bịa đặt ở đâu hết. Trái lại, nếu như Phó Chánh án chĩa vào tôi thì đó là bịa đặt.
Theo ông có cần phải làm rõ hơn về phát biểu, nhận xét của Phó Chánh án TAND Tối cao, khi ông nói có 3 ĐBQH phát biểu không đúng về nội dung vụ án Hồ Duy Hải?
– Tôi cho rằng, ông Phó Chánh án TAND Tối cao cần phải nhìn nhận lại phát ngôn của mình. Tôi thấy ông phát biểu có vẻ ở trạng thái bức xúc nên chưa cẩn trọng. Nếu như cẩn trọng thì trước hết ông phải ý thức được Hiến pháp, các đạo luật về Quốc hội đã quy định địa vị pháp lý của ĐBQH thế nào, quyền hạn thế nào.
Nếu như ĐBQH mà vi phạm pháp luật thì cũng bị xử lý như những công dân bình thường. Nhưng ở đây chúng tôi không vi phạm, chúng tôi giám sát vụ án theo quyền hạn, nếu Tòa thấy đúng thì tiếp thu, còn chưa đúng thì trao đổi lại, tại sao lại chụp mũ là “nguy hiểm hơn”. Phát ngôn của Phó Chánh án TAND Tối cao như vậy về ĐBQH trong vụ Hồ Duy Hải có nguy hiểm không? Có phải làm cho vấn đề phức tạp hơn không?
Vấn đề ở đây là ĐBQH đang tranh luận, bàn thảo về tính đúng đắn trong áp dụng pháp luật trong vụ án cụ thể. Tại sao Phó Chánh án lại nói ĐBQH đưa ra những nhận xét chủ quan, dựa trên thông tin mạng xã hội. Chúng tôi chưa dùng tới quyền ĐBQH để đề nghị thảo luận, tranh luận về quan điểm đó, chưa nói tới việc ông Phó Chánh án “kết luận” về ĐBQH như thế.
Tôi nghĩ, lúc này chúng ta phải nhìn nhận sự việc một cách khách quan trên tinh thần cầu thị, để cùng nhau bảo vệ những giá trị của nền tư pháp mà thời gian qua đã và đang có cải cách rất thành công. Đây mới là điều quan trọng.
Hôm qua (12/5), tại buổi họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết: Liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, sau quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin bịa đặt về vụ án, kêu gọi chống phá hệ thống tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng từ T.Ư đến địa phương, bôi nhọ, quy kết trách nhiệm cả nền tư pháp và các vị trưởng ngành tố tụng từ 2008 đến nay, đặc biệt là Chánh án TAND Tối cao.
Phó Chánh án nói thêm, nguy hiểm hơn nữa là có 3 ĐBQH phát biểu không đúng nội dung vụ án, đưa ra những nhận xét chủ quan dựa trên thông tin mạng xã hội.
Theo PVCT (thực hiện)
https://danviet.vn/vu-ho-duy-hai-dbqh-len-tieng-sau-phat-bieu-gay-tranh-cai-cua-pho-chanh-an-20200513132320387.htm