logo
banner top

Ví điện tử đang dần len tới gánh hàng rong

Ngày đăng: 19/03/2019 8:16

Sau thời gian tập trung ‘phủ sóng’ tại các chuỗi cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm, ví điện tử bắt đầu len lỏi đến các gánh hàng rong ở TP.HCM, giúp người tiêu dùng thuận tiện tiếp cận các kênh thanh toán không dùng tiền mặt.

Ba bên cùng có lợi

Khoảng một tháng trở lại đây, khách hàng mua xôi bắp Huỳnh Mai tại khu vực đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Điện Biên Phủ (Q.3) có thể trả bằng tiền mặt hoặc lấy điện thoại thông minh ra quét mã thanh toán (QR code) của ví điện tử (VĐT) Momo được dán trên thùng đựng xôi. Thông tin về điểm bán xôi bắp sẽ hiện trên màn hình điện thoại, 12.000 đồng tiền gói xôi được chuyển cho người bán theo số điện thoại đăng ký trên VĐT.

Vi dien tu dang dan len toi ganh hang rong

Khách mua gói xôi bắp 12.000 đồng giờ đây chỉ cần quét mã QR thay vì trả tiền mặt.

Tại phố bán hàng rong đường Nguyễn Văn Chiêm (Q.1), hiện có 20 gian hàng bán đủ thứ món ăn vặt. Trước mặt tủ kiếng khoảng 10 quầy hàng, có miếng dán giới thiệu hình thức thanh toán bằng VĐT Momo và GrabPay by moca. “Tôi mua hai ổ bánh mì giá 30.000 đồng, quét mã QR code của VĐT, tôi chỉ trả 20.000 đồng nhờ chương trình khuyến mãi của nhà kinh doanh VĐT” – anh Minh, một khách hàng, cho biết.

Cũng giống như chiếc ví truyền thống, VĐT là nơi chứa tiền nhưng ở dưới dạng tài khoản, được lập trên một ứng dụng của điện thoại di động thông minh, có thể kết nối với tài khoản trong ngân hàng hay thẻ tín dụng.
Trên các tuyến đường Vũ Huy Tấn (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Hữu Cầu, Trần Khắc Chân, Lê Thị Riêng hay khu vực chợ Bến Thành, Tân Định (Q.1), Cách Mạng Tháng Tám (Q.3) cũng có nhiều xe bán dạo trà sữa, cà phê, nước cam, điểm tâm sáng gắn biểu tượng chấp nhận thanh toán qua VĐT. TP.HCM hiện có hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán bằng VĐT Momo, GrabPay by Moca và các VĐT khác.

Việc đẩy mạnh thanh toán thông qua VĐT đem lại lợi ích ba bên: khách được nhận khuyến mãi tiện ích của dịch vụ VĐT, người bán được nâng doanh số bán hàng, đơn vị thanh toán trung gian là các VĐT được lãi từ các giao dịch. “Tôi đăng ký làm điểm chấp nhận thanh toán VĐT Momo vì đơn vị này cung cấp cho tôi một lượng khách hàng khá lớn là những khách hàng đang sử dụng VĐT Momo. Doanh số bán hàng của tôi từ đó tăng đáng kể” – chủ một điểm bán xôi bắp Huỳnh Mai nói.

Vẫn còn manh nha, người bán chưa mặn mà

Tại các điểm bán hàng rong, dù giao dịch khá thuận tiện (thời gian giao dịch khoảng 1 phút) nhưng theo quan sát của chúng tôi, lượng khách thanh toán qua VĐT còn ít, nhiều người bán vẫn thích thu tiền mặt. Sở dĩ như vậy là do giá trị giao dịch khá nhỏ, mất thời gian xử lý bằng hệ thống thanh toán điện tử. “Nếu giao dịch diễn ra ngày thứ Sáu thì hệ thống sẽ mất hai ngày cuối tuần để xử lý và chúng tôi vẫn chưa nhận được số tiền giao dịch ngay. Khách đến mua yêu cầu thanh toán qua VĐT thì chúng tôi đáp ứng, nhưng trả bằng tiền mặt vẫn tiện hơn” – chủ một điểm bán hàng rong gần chợ Bến Thành nói.

Vi dien tu dang dan len toi ganh hang rong

Hiện các dịch vụ VĐT thu phí khoảng 1 – 1,2%/mỗi giao dịch tại đơn vị bán hàng nên các điểm bán vẫn thích thu tiền mặt hơn. Vì sợ tốn phí, nhiều điểm bán còn tìm cách từ chối khi khách có nhu cầu thanh toán bằng VĐT. Chẳng hạn như khi mua một ổ bánh mì giá 15.000 đồng tại phố hàng rong đường Nguyễn Văn Chiêm, chúng tôi đề nghị thanh toán bằng VĐT Momo thì người bán nói: “Chỉ cho thanh toán bằng VĐT vào ca chiều” nhưng người bán ca chiều lại nói ngược lại: “Muốn thanh toán bằng VĐT thì đến buổi sáng”. Có thể thấy, một số điểm bán hàng rong đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán VĐT chỉ nhằm được dịch vụ VĐT giới thiệu khách hàng là chính.

Thông thường, các điểm bán chấp nhận thanh toán VĐT sẽ dán hai logo: một logo thông tin về VĐT (cách tải ứng dụng, số điện thoại hỗ trợ), một logo là mã QR code để khách quét mã. Tuy nhiên, rất nhiều điểm bán hàng rong chỉ dán logo thông tin về VĐT. Khi không nhìn thấy mã QR code của VĐT, khách sẽ móc tiền mặt ra trả cho nhanh thay vì thắc mắc về mã QR code.

Thay đổi thói quen thanh toán của người bán hàng rong sẽ làm thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng và của cả nền kinh tế. Nhưng theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc thu phí qua mỗi giao dịch đang là rào cản khiến người bán còn e ngại.

Tại Singapore, nhằm khuyến khích thanh toán không sử dụng tiền mặt, những người bán hàng rong sẽ không phải nộp phí trong 3 năm khi áp dụng thanh toán điện tử. Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ khoản phí giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử để những người bán hàng rong sẽ không phải trả bất kỳ khoản phí phát sinh nào. Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thanh toán của nước này đã hoàn thiện, người bán hàng rong sẽ nhận được tiền bán hàng của họ ngay trong ngày, kể cả cuối tuần và các ngày nghỉ lễ.

Do đó, để người kinh doanh lẫn người dân thấy được lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt và tự nguyện tham gia, rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ cả về định hướng lẫn chính sách khuyến khích cụ thể, sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, sự chuẩn bị chu đáo về hạ tầng công nghệ cũng như khung pháp lý của loại hình thanh toán này.

Theo Thanh Hoa

Theo Phụ Nữ Tp.HCM

Tags: ,