Ông Nguyễn Lợi Đức ở xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang là một trong những nông dân sở hữu đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh An Giang, với hơn 150ha. Mặc dù diện tích đất ruộng lớn nhưng lại là vùng đất trũng, bị nhiễm phèn nên việc cải tạo đất để sản xuất cũng gặp không ít khó khăn và tốn kém.
Những năm trước đây, ông đã từng chuyển đổi canh tác với nhiều loại cây trồng nhưng hiệu quả vẫn không cao. Năm 2016, ông Đức mạnh dạn đầu tư trồng hơn 50 ha chuối cấy mô. Giai đoạn đầu, do chưa có kinh nghiệm trong việc canh tác nên đã gặp không ít khó khăn, phần lớn diện tích chuối bị bệnh, cho năng suất không cao.
Cuối năm 2017, được sự hỗ trợ của ngành chức năng tỉnh An Giang, ông đã tìm ra nguyên nhân và hỗ trợ về kỹ thuật, từ đó mô hình chuối cấy mô của ông đã phát triển tốt tại vùng đất phèn và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trồng chuối cấy mô cho lợi nhuận cao. (Ảnh: KT) |
Ông Nguyễn Lợi Đức chia sẻ: “Cây chuối so sánh với cây lúa thì hiệu quả hơn rất nhiều, còn so với cây trồng khác thì phải xem lại điều kiện thổ nhưỡng. Bưởi da xanh, sầu riêng thì giá rất tốt, trồng chuối, giá trị không bằng. Cho nên, trước khi trồng cây gì thì phải xem thổ nhưỡng nó có hợp hay không, đất này là đất nhiễm phèn. Hiện tại năng suất rất là tốt nên người dân yên tâm”.
Cũng theo ông Nguyễn Lợi, cây chuối cấy mô rất phù hợp với vùng đất phèn, ít sâu bệnh hơn so với cây chuối truyền thống bằng cây con, dễ bố trí mùa vụ, thu hoạch cho năng suất cao. Hiện nay, ông đã mở rộng diện tích sản xuất lên hơn 70ha. Tính chi phí cho 1kg chuối khoảng 3.500 đồng, giá chuối bán ra dao động khoảng 8.000 đồng/kg. Với năng suất bình quân 40 tấn/ha, lợi nhuận thu được là 140 triệu đồng/ha, mỗi năm thu lợi là gần chục tỷ đồng.
Bên cạnh đó còn tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động có việc làm ổn định. Hiện nay, mô hình trồng chuối của ông được sản xuất theo mô hình khép kín: trồng chuối- nuôi bò-nuôi cá.
Chia sẻ về mô hình này, ông Nguyễn Lợi Đức nói: “Tôi sản xuất theo mô hình tương đối khép kín. Đối với phụ phẩm của chuối như chuối rập thì có đàn bò, cộng thêm hệ thống kênh mương rộng, chuối nào qua thì đổ cho cá ăn, chuối nào già mà vừa chín thì cho bò ăn, phân bò đem nuôi trùng quế, một phần bón lại cho cây chuối, trùng quế cũng tập trung dưỡng cho cây chuối. Trong một chuỗi sản xuất nó liên kết với nhau, hỗ trợ nhau thì sẽ giảm được chi phí, tạo ra sản phẩm sạch, tốt hơn”.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, mô hình trồng chuối cấy mô của ông Nguyễn Lợi Đức được đánh giá là mô hình tiêu biểu đi đầu trong việc tổ chức sản xuất và tập trung đất đai theo quy mô lớn. Từ mô hình ban đầu này, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều doanh nghiệp, nông dân sản xuất chuối cấy mô với tổng diện tích khoảng 500 ha, được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, đạt chuẩn xuất khẩu.
Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, thời gian gần đây, nhiều nước nhập khẩu đang rất chuộng chuối Việt Nam. Đặc thù của chuối khi trồng liên tục trên cùng một vùng đất rất dễ nhiễm bệnh. Nhiều vùng đất của Việt Nam mới trồng lần đầu nên chuối phát triển tốt, ít nhiễm bệnh, các nhà nhập khẩu yên tâm hơn.
Hiện nay, An Giang đã quy hoạch hơn 10.000ha để trồng chuối. Trước mắt, tỉnh ưu tiên trồng ở huyện Tri Tôn vì đây là vùng đất còn nhiễm phèn, trồng chuối hiệu quả hơn một số loại cây trồng khác. Từ huyện Tri Tôn, tỉnh sẽ nhân rộng cây chuối ra các vùng có điều kiện khác, nhất là vùng sản xuất lúa kém hiệu quả như Bảy Núi.
“Hiện nay, An Giang đang kết hợp với công ty nông nghiệp của nhật triển khai một số dự án để sản xuất nông sản là trái cây và rau quả, đặc biệt là chuối, để đưa vào thị trường Nhật cũng như xuất đi các nước khác”, ông Trần Anh Thư cho biết thêm.
Trồng chuối cấy mô trên đất phèn là mô hình vừa phù hợp với thổ nhưỡng, phù hợp với điều kiện khí hậu vùng đất, đáp ứng các tiêu chuẩn nông sản chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là điều kiện để An Giang nhân rộng mô hình này, hướng đến đưa cây chuối là một trong những cây chủ lực của tỉnh./.