Quan niệm dân gian xưa nay cho rằng, bà bầu ăn nhiều trứng ngỗng con sẽ thông minh, điều này có thực sự chính xác?
Trứng ngỗng có phải “thần dược”
Theo tiến sĩ, bác sĩ, Nguyễn Trọng Hưng – Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trứng ngỗng cũng như trứng gà là thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng, tốt cho cơ thể. Nhưng nói phụ nữ mang thai ăn trứng ngỗng sẽ đẻ con thông minh là không có cơ sở, đây là quan điểm sai lầm. Hiện chưa có công trình khoa học nào chứng minh trứng ngỗng mang lại hiệu quả “thần kỳ” như vậy.
Trứng gà hay trứng ngỗng có thành phần dinh dưỡng tương đối giống nhau, chỉ khác về số lượng. Tuy nhiên, do to hơn nhiều lần so với trứng gà, nên trứng ngỗng thường có lượng các chất (bao gồm cả chất béo và cholesterol) nhiều hơn. Dù vậy cũng không thể nói trứng ngỗng tốt hơn trứng gà.
“Có thể do ngày xưa, đời sống kinh tế khó khăn nên mọi người quan niệm ăn một quả trứng to như trứng ngỗng sẽ khiến con bụ bẫm và thông minh hơn. Trong trứng ngỗng chứa khá nhiều chất béo và cholesterol, phụ nữ mang thai ăn nhiều dễ bị cholesterol trong máu hay béo phì. Còn trứng gà lại có nhiều vitamin A, rất tốt cho bà bầu”, bác sĩ Hưng nói.
Cũng theo bác sĩ Hưng, việc cố gắng gượng ép để ăn trứng ngỗng còn dẫn đến những hệ lụy không tốt, đặc biệt là miễn cưỡng ăn khi cơ thể không có nhu cầu. Đó là chưa kể tới việc giá thành của các quả trứng ngỗng không hề rẻ, lại khó kiếm hơn trứng gà.
Nhiều gia đình vì quan điểm sai lầm này mà bằng mọi cách mua cho được quả trứng ngỗng để ăn cho con thông minh, mà quên bổ sung các chất dinh dưỡng khác. Điều này khiến dinh dưỡng không đồng đều trong quá trình mang thai, gây ảnh hưởng tới cả mẹ và con.
“Con thông minh hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có gene, quá trình nuôi dưỡng, dạy dỗ, giáo dục hay môi trường phát triển chứ không có chuyện một hai quả trứng ngỗng mà con thông minh lên được.
Ngoài ra, việc cố ăn trứng ngỗng hàng ngày cũng gây áp lực cho các bà mẹ. Bởi trứng ngỗng rất to, ăn hết không phải dễ. Chính vì vậy, thay vì chỉ chăm chăm ăn trứng ngỗng, người dân nên tập trung bổ sung đa dạng các chất dinh dưỡng. Có như vậy, trẻ mới khỏe mạnh và phát triển toàn diện”, bác sĩ Hưng nhấn mạnh.
Các mẹ cần làm gì để con được thông minh?
Cụ thể, ở quý I, bà mẹ cần bổ sung axit polic và axit này nằm ở các thực phẩm là các loại ngũ cốc, hạt…nhưng để đạt được lượng acid folic đủ cho thời kỳ, các mẹ vẫn phải uống bổ sung các loại thực phẩm chức năng có chứa chất này để tốt cho em bé và giảm nghén. Bởi trong các món ăn hàng ngày chưa thể cung cấp đủ.
Đến quý II và III – giai đoạn cuối của thai kỳ nên đặc biệt quan trọng. Đây là thời điểm trẻ bắt đầu hình thành hệ xương khớp nên cần bổ sung canxi, sắt, hay các chất khác như DHA…
Ở giai đoạn này, để con được bổ sung dinh dưỡng đúng, đủ, các mẹ còn phải chú ý bổ sung thêm các chất khác như B1, B6 và nhiều chất dinh dưỡng khác. Các chất này nếu chỉ hấp thụ qua thức ăn sẽ không đủ mà phải bổ sung bằng các thực phẩm chức năng bên ngoài mới hiệu quả.
“Tôi lấy làm lạ là sau khi sinh, nhiều bà mẹ vẫn còn kiêng thái quá, giống như chỉ ăn rau ngót, thịt kho, không được ăn nước hay một số thực phẩm khác. Đây là quan điểm sai lầm, dễ khiến các bà mẹ sau sinh rơi vào trạng thái thiếu chất, không đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và con”, bác sĩ Ánh nhấn mạnh.
“Trong mỗi loại thực phẩm đều có giá trị dinh dưỡng khác nhau, không có loại nào là hoàn thiện và đủ toàn bộ các chất dinh dưỡng. Vì vậy bạn cần sử dụng đa dạng, mỗi loại thực phẩm chỉ nên ăn 2 – 3 lần/tuần.
Trong 100gr trứng gà có chứa: 13g chất đạm, 10,3g chất béo, 1,3g chất bột đường, 55mlg can xi, 2,7 mlg sắt, 0,9mlg kẽm, 166 micro gam vitamin A, 150 kcl. Ở người bình thường, không có nguy cơ về bệnh tật chỉ nên ăn từ 2 – 4 quả, bà bầu có thể nhiều hơn.
Trứng ngỗng cũng tốt cho sức khỏe, nhưng tùy vào hoàn cảnh mà chọn lựa ăn sao cho phù hợp. Phụ nữ mang thai không nên lạm dụng ăn trứng ngỗng. Bởi giá thành đắt, lại khó tiêu, gây trở ngại với sức khỏe. Bà bầu.cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, để bổ sung đầy chất dinh dưỡng, tránh tình trạng thừa chất này, lại thiếu chất kia, mất cân đối”, theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng – Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Theo Phạm Quý