Một người đàn ông U50 ở Quảng Trị sau khi bị ngộ độc methanol đã được “truyền” 15 lon bia. Hơn 2 tuần sau, bệnh nhân tỉnh táo, ra viện. “Dùng bia giã rượu” có đúng hay không?
Truyền bia vào dạ dày, không phải vào tĩnh mạch
Sau đêm Giáng sinh 2018, ông Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, trú Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị) cùng một số người uống rượu. Sau đó, ông và 3 người khác có biểu hiện bất thường. Ông Nhật được đưa vào khoa Hồi sức tích cực – chống độc, BVĐK tỉnh Quảng Trị điều trị.
Các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm khí máu, soi đáy mắt, chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc Methanol có trong rượu. Kết quả kiểm tra mẫu bệnh phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị cho thấy hàm lượng Methanol trong mẫu máu bệnh nhân Nhật là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc.
Mẫu rượu 4 người này uống tại bữa tiệc có hàm lượng Methanol vượt quá 1.100 lần ngưỡng cho phép. Các mẫu rượu này do người dân tự chế biến.
Bệnh nhân Nhật được truyền gần 5 lít bia vào cơ thể để kéo dài thời gian giải độc. Ảnh: VNE
Để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ BVĐK Quảng Trị truyền 3 lon bia (gần một lít), vào đường tiêu hóa của bệnh nhân Nhật. Mỗi giờ tiếp theo, bệnh nhân được truyền thêm một lon bia. Sau khi truyền tổng cộng 15 lon bia, tức gần 5 lít, bệnh nhân Nhật dần bình phục, tỉnh táo. Chiều qua, 9/1, bệnh nhân Nhật đã ra viện.
Nhiều người băn khoăn cơ chế nào khiến việc đưa/bơm bia vào đường tiêu hoá bệnh nhân có thể “hoá giải” ngộ độc rượu methanol ? Cách “đưa bia vào giải độc rượu” có trong phác đồ điều trị đã được Bộ Y tế cho phép?
Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị nói đây là lần đầu khoa tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu nặng và sử dụng phương pháp này để cứu sống. Phương pháp này được đề cập đến trong y khoa.
Ngộ độc rượu có hai loại là: Ngộ độc ethanol và ngộ độc methanol. Trong đó, methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi… Chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol.
Bộ Y tế: Ethanol giúp ngăn cản methanol chuyển hóa thành chất độc
TS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu , Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong trường hợp ngộ độc rượu mà các bác sĩ vừa cứu sống ở Quảng Trị, người bệnh bị ngộ độc methanol chứ không phải ethanol.
“Nôm na, có thể hiểu hai loại rượu nay có tác dụng hóa giải lẫn nhau cho nên khi cho người bệnh uống ethanol (truyền bia vào dạ dày) thì sẽ làm mất tác dụng của methanol có trong cơ thể (máu)” – BS Chính nói.
Trong Hướng dẫn, xử trí, điều trị ngộ độc (trong đó có ngộ độc Methanol) năm 2015, Bộ Y tế nêu rõ các biện pháp điều trị cơ bản như: Nếu bệnh nhân hôn mê sâu, co giật, ứ đọng đờm rãi, tụt lưỡi, suy hô hấp, thở yếu, ngừng thở, cần cho bệnh nhân nằm nghiêng, đặt canun miệng, hút đờm rãi, thở ôxy, đặt nội khí quản, thở máy với chế độ tăng thông khí (tùy theo mức độ).
Nếu bệnh nhân tụt huyết áp: truyền dịch, thuốc vận mạch nếu cần. Ngoài ra, cần truyền glucose 10-20% nếu bệnh nhân hạ đường huyết để bổ sung năng lượng; Bổ sung vitamin B1; tiêm thuốc chống nôn, uống thuốc bọc niêm mạc dạ dày, tiêm thuốc giảm tiết dịch vị, bù nước điện giải bằng truyền tĩnh mạch….
Để tăng thải trừ chất độc, theo Bộ Y tế, việc lọc máu có tính quyết định. Về thuốc giải độc đặc hiệu, hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ: Ethanol và fomepizole sẽ giúp ngăn cản việc methanol chuyển hóa thành các chất độc. Methanol tự do sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua thận hoặc lọc máu. Khi ngừng các thuốc này hoặc dùng không đủ và bệnh nhân không được lọc máu, methanol tiếp tục được chuyển hóa và gây độc.
Biện pháp này được chỉ định nếu bệnh nhân có bệnh sử có uống methanol, nồng độ methanol > 20mg/dL hoặc bệnh nhân có bệnh sử nghi ngờ ngộ độc methanol…
TS Lương Quốc Chính nhấn mạnh, để điều trị ngộ độc methanol, nếu ngộ độc ethanol (rượu thực phẩm) mà vẫn tiếp tục uống ethanol (bia chẳng hạn) thì người bệnh càng trầm trọng, nhưng nếu ngộ độc methanol (rượu công nghiệp, cực độc) mà cho người bệnh uống ethanol (rượu, bia thực phẩm) thì sẽ có tác dụng giải độc.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, BS Chính cho biết không sử dụng biện pháp này.
Theo một chuyên gia cấp cứu chống độc tại bệnh viện Nhi Trung Ương , nếu bia được đưa vào cơ thể bằng “truyền tĩnh mạch” thì rất nguy hiểm, có thể tử vong. Nếu bệnh nhân ngộ độc ethanol (rượu thực phẩm bình thường) mà còn “tiếp thêm” bia có nồng độ cồn 4-5% (giống như mình pha loãng rượu) thì không có nghĩa lý gì khi đã có nồng độ cồn trong người lại thêm lượng nhỏ nữa.
“Bệnh nhân ở Quảng Trị được cứu sống là vì lọc máu không phải vì “truyền bia”. Lọc máu là giải pháp duy nhất để cứu bệnh nhân” – TS Lương Quốc Chính nhấn mạnh và khẳng định uống rượu xong không phải cứ uống bia vào là giải được.
BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: Biện pháp “đưa bia giã rượu” chỉ được áp dụng phương pháp này tại các cơ sở y tế, do chính các bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Việc lựa chọn phương pháp giải độc còn phải căn cứ vào nồng độ methanol gây ngộ độc trong cơ thể bệnh nhân. Vì vậy, người dân tuyêt đối không tự ý dùng bia để giải độc sau khi uống rượu.
Theo Võ Thu