logo
banner top

Loài sâu ban miêu người dân bắt bán cho Trung Quốc có gì đặc biệt?

Ngày đăng: 24/08/2019 16:48

Nhiều ngày nay, thương lái đổ xô đến Kon Tum mua bán sâu ban miêu cánh vàng để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ nhằm làm thuốc với giá 1,5 triệu đồng mỗi kg. Vậy sâu ban miêu đen vàng có công dụng gì?

Một số chuyên gia về kỹ thuật bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum khẳng định, con bọ cánh cứng đang được thương lái thu mua là loài ban miêu khoang vàng nhỏ, dài hơn 1 cm, thân màu đen với các điểm hay dải ngang màu vàng. Loài này thường gây hại trên lúa, khoai lang, bầu, bí… từ tháng 5 đến tháng 11.

Loài sâu ban miêu người dân bắt bán cho Trung Quốc có gì đặc biệt?
Sâu ban miêu đen vàng được người dân ở Kon Tum săn lùng bắt bán cho thương lái

Sâu ban miêu đen vàng được thu mua với giá cao nên nhiều người dân ở Kon Tum tranh thủ đi bắt về bán. Họ cho biết con này có mùi hôi, hay đậu trên cây lúa, bí…

Sau khi bắt bọ ban miêu cánh vàng đã có trường hợp bé trai A Ngãi, 10 tuổi, bất ngờ kêu nóng, rát ở quanh cổ và miệng nên phải đi cấp cứu trong đêm tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi. Các bác sĩ cho biết có thể bé bị bỏng do chất độc của loại côn trùng gây ra, với phỏng nước quanh miệng, cổ.

Sâu ban miêu có độc chất gì?

Loài sâu ban miêu người dân bắt bán cho Trung Quốc có gì đặc biệt?

Bác sĩ Trần Văn Năm – nguyên Viện phó Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM – cho biết: Sâu ban miêu (Trung Quốc gọi là nguyên thanh, ban manh, ban mao, Việt Nam gọi là sâu đậu, Pháp gọi là Cantharide vésicante) có tên khoa học Lytta vesicatoria Fabr, thuộc họ ban miêu Meloidae.

Sâu ban miêu có chất cantharidin với hàm lượng tới 0,4%, gây phồng da (sâu ban miêu thuộc chi Mylabris có thể có tới 1,25% cantharidin). Chất cantharidin C10H12 do nhà khoa học Robiquet tìm ra năm 1813, một phần ở thể tự do, một phần ở dạng kết hợp với magiê.

Cantharidin không có trong các bộ phận cứng, bộ phận tiêu hóa của sâu ban miêu mà chủ yếu ở trong máu và các bộ phận sinh dục. Cantharidin có tinh thể hình phiến không có màu, không mùi, trung tính, tan trong nước, tan trong axeton, ête nguội, tinh dầu thông đun sôi, axit axetic nóng và axit focmic.

Loài sâu ban miêu người dân bắt bán cho Trung Quốc có gì đặc biệt?

Sâu ban miêu độc nhưng sao được dùng làm thuốc?

Theo bác sĩ Năm, tên sâu ban miêu được dùng để chỉ nhiều loài sâu có tính chất gây rộp da giống nhau và đều được dùng làm thuốc.

– Ban miêu được dùng chủ yếu bên ngoài làm thuốc rộp da để gây mụn dẫn độc, hoặc làm thuốc tụ bệnh.

– Ban miêu thuộc loại độc bảng A, hiện chưa thấy dùng để uống. Nếu dùng để uống có thể gây xót dạ dày và ruột rồi đi tới viêm các bộ phận sinh dục. Thậm chí, có khi chỉ cần dán thuốc bên ngoài da cũng thấy có hiện tượng này xảy ra. Đáng lo lắng khi một số người còn dùng dạng cồn của ban miêu (với liều 8-10 giọt) để chữa viêm thượng bì thận, thông tiểu, chữa phù hay cường dương (rất nguy hiểm và giả tạo).

Dấu hiệu ngộ độc sâu ban miêu

Ngộ độc sâu ban miêu do sử dụng không đúng liều lượng, thường rất đau đớn và nặng với những triệu chứng ở dạ dày, ruột, tiểu tiện ít và có máu, dương vật cương lên rất đau đớn, cuối cùng có những rối loạn về thần kinh, hôn mê và chết trong vòng 24 giờ.

Người ta cho rằng với liều 3-4g sâu ban miêu (liều tối đa 0,03g /lần và 0,06g/ 24 giờ) hoặc 20-30g cồn sâu ban miêu (liều tối đa 0,5g/lần và 1,25g/24 giờ) hoặc 0,02-0,03g cantharedin (liều tối đa 2/10mg/lần cũng là 2/10mg/24 giờ) đủ làm chết người.

Nhưng người ta cũng nhận thấy có nhiều trường hợp ngộ độc do dùng liều thấp hơn các liều trên rất nhiều.

Sâu ban miêu đen vàng không dùng chữa bệnh

Loài sâu ban miêu người dân bắt bán cho Trung Quốc có gì đặc biệt?
Sâu Caniharis vesicatoria

Sâu Caniharis vesicatoria là một thứ sâu nhỏ, có cánh cứng, màu xanh lục biếc, dài từ 15- 20mm, ngang 4-6mm. Đầu sâu hình tim, có một rãnh dọc ở giữa đầu, râu đen hình sợi, có 11 đốt. Giữa đầu và ngực sâu có một chỗ thắt lại. Ngực cũng có một rãnh dọc, bụng dài tròn, dưới cánh cứng là hai cánh mềm, trong.

Loài sâu này chân gầy, con đực nhỏ hơn con cái, mùi rất hăng, khó chịu, vị không có gì đặc biệt, nhưng những nơi chạm phải sâu (lưỡi, môi) sẽ bị rộp lên. Ở các nước khác (Pháp, Ý, Anh …) loài sâu này sống trên các cây táo, cây bông, cây liễu… Việt Nam có thấy con này nhưng ít dùng.

Loài sâu ban miêu người dân bắt bán cho Trung Quốc có gì đặc biệt?
Sâu đậu

Sâu ban miêu ở Việt Nam hay dùng gọi là sâu đậu vì sống trên cây đậu cùng loài với sâu ban miêu Trung Quốc. Sâu ban miêu Trung Quốc và một số nước khác thuộc giống Mylabris, cũng có râu gồm 11 đốt, đốt cuối phình lớn lên, thân hơi khum màu đen với các điểm màu vàng hoặc đỏ nhạt, có khi thân màu vàng với các điểm hay dải ngang màu đen.

Loài sâu ban miêu người dân bắt bán cho Trung Quốc có gì đặc biệt?
Sâu ban miêu đen vàng

Con sâu ban miêu mà bà con đang bắt ở Kon Tum có thể là sâu ban miêu rất độc, khả năng gây ngộ độc, tổn thương rộp da rất nặng, nếu người tiếp xúc lượng lớn có thể nguy hiểm tính mạng.

Sâu ban miêu phân bố ở đâu?

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga – Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Quận 2, TP.HCM – cho biết: Sâu ban miêu sống hoang dại ở khắp các tỉnh nước ta. Vào sáng sớm, trước khi mặt trời mọc, lúc sâu chưa tỉnh, người ta đi bắt hoặc lắc cành lá cho sâu ngã vào túi vải, hoặc có khi dùng vợt để vợt.

Trong y học cổ truyền, việc bảo quản sâu ban miêu rất khó, vì có một số sâu bọ khác hay ăn các bộ phận mềm của sâu ban miêu. Muốn bảo quản, thường người ta cho một ít long não hay thủy ngân vào đáy lọ.

Hoặc ngay sau khi ở lò sấy ra, sâu còn đang nóng thì cho ngay vào các lọ đã tiệt trùng rồi đậy kín. Thời gian gần đây, do việc sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu hóa học và nhu cầu sử dụng sâu ban miêu giảm nên việc thu bắt loài sâu này hầu như không được chú ý.

Hiện tất cả các loài sâu ban miêu không được khuyến khích sử dụng vì độc tính cao, hơn nữa lĩnh vực trị bệnh của sâu ban miêu rất hạn hẹp và y học hiện nay có các biện pháp chữa trị khác hiệu quả, an toàn hơn loài sâu này. Trong khi chờ đợi đánh giá của giới chuyên môn, người dân không nên đi bắt sâu ban miêu mà không có biện pháp bảo hộ bởi rất nguy hại đến sức khoẻ!

Những năm trước, thương lái cũng tìm mua nhiều loại nông sản “kỳ dị” bán sang Trung Quốc như: cau non, rễ tiêu, nụ hoa thanh long, đỉa, ốc bươu vàng…

(Theo Phụ nữ TP.HCM)

Theo VietNamNet

Tags: ,