Tại phiên xét xử ly hôn sáng 20/2 khối tài sản chung khổng lồ của ông Vũ và bà Thảo mới được hé lộ. Theo đó, tính cả tiền mặt, vàng, bất động sản và giá trị cổ phần thì con số này rơi vào khoảng 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên ông Vũ cho rằng tài sản ngân hàng được đưa vào hồ sơ trong vụ án này chỉ là… “bề nổi”.
Sáng 20/2, TAND TP.HCM xét xử vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên.
Tại phiên xét xử này thông tin đáng chú ý nhất là khi tòa án trưng cầu giám định, bên phía ông Vũ đã đưa ra danh sách và giá trị khối tài sản chung. Cũng từ đây, khối tài sản chung khổng lồ của ông Vũ bà Thảo mới lộ sáng.
Từ phiên xét xử ly hôn này, khối tài sản chung khổng lồ của vợ chồng ‘vua cà phê’ mới lộ sáng.
Theo đó, luật sư của ông Vũ đưa ra 13 bất động sản chung có giá trị 725 tỷ đồng. Trong đó ông Vũ đang nắm giữ 6 bất động sản trị giá khoảng 350 tỷ đồng và bà Thảo đang nắm giữ 7 bất động sản trị giá khoảng 375 tỷ đồng. Số tài sản này được phía luật sư ông Vũ đề xuất chia đôi.
Bên cạnh đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo còn có tài sản chung là 2.000 tỷ đồng tiền mặt, ngoại tệ và vàng. Luật sư của ông Vũ đề nghị HĐXX chia theo tỉ lệ ông Vũ 70%, bà Thảo 30%.
Phần tài sản chung giá trị nhất là cổ phần chung tại hệ thống 7 công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên gồm: CTCP Đầu tư Trung Nguyên, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty CP cà phê Trung Nguyên, Công ty CP hòa tan Trung Nguyên, Công ty CP Trung Nguyên Franchise, Công ty TNHH du lịch Đặng Lê, Công ty TNHH Đắk Nông.
Dựa trên kết quả thẩm định của công ty thẩm định tài sản do tòa trưng cầu thì số cổ phần trên trị giá 5.654 tỷ đồng.
Theo đề xuất phía luật sư của ông Vũ trình lên HĐXX thì hai phần tài sản trên (tiền mặt, ngoại tệ, vàng, cổ phần) chia theo tỉ lệ ông Vũ 70%, bà Thảo 30%. Đây mới chỉ là đề xuất của phía ông Vũ, kết luận cuối cùng vẫn còn đợi HĐXX xem xét.
Như vậy theo số liệu phía ông Vũ đưa ra thì tổng cộng số tài sản chung bao gồm cổ phần, tiền mặt và bất động sản có tổng trị giá gần 8.400 tỷ đồng. Nếu được hưởng 70% thì ông Vũ sẽ có số tài sản trị giá khoảng 3.958 tỉ đồng còn bà Thảo là khoảng 1.696 tỉ đồng.
Khối tài sản chung của ông Vũ và bà Thảo. Ảnh: CafeF
Tuy nhiên, một tình tiết cũng hết sức đáng lưu ý là khi tranh luận tại tòa về tài sản chung, ông Vũ tố bà Thảo dùng quyền lực điều khiển, chi phối nhiều việc trong công ty. Số tài sản trong ngân hàng được đưa vào hồ sơ để phân chia trong vụ án ly hôn chỉ là “bề nổi”.
Những ai quan tâm đến vụ ly hôn đình đám này hẳn cũng biết khối tài sản được chú ý nhất vẫn là tỷ lệ sở hữu bên trong “đế chế” Trung Nguyên. Chẳng vậy mà cuối tháng 1, bà Thảo đề xuất tổng khối tài sản chung của 2 vợ chồng bà chia thành 2 nhóm: Trung Nguyên và G7. Đây được xem là nước cờ có tính toán của bà Thảo.
Sở dĩ nói vậy vì chi tiết của việc chia tách gồm phân chia những gì không được công bố nhưng trọng tâm của phương án này nằm ở tài sản vô hình là thương hiệu Trung Nguyên và thương hiệu G7. Có thể coi đây là tài sản giá trị nhất của tập đoàn chứ không phải là các tài sản hữu hình đang có. Cả hai thương hiệu này hiện đều do Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment) sở hữu.
Hiện tại, G7 là thương hiệu chủ yếu cho các sản phẩm cà phê hòa tan của Trung Nguyên. Còn Trung Nguyên chủ yếu gắn với các sản phẩm rang xay, hệ thống cửa hàng cũng như một số sản phẩm cà phê hòa tan.
Nhận về thương hiệu kết hợp với hệ thống sản xuất và phân phối đã có sẵn, cả ông Vũ – bà Thảo có thể ngay lập tức tiếp tục kinh doanh với những thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước thay vì phải mất công xây dựng từ đầu như bà Thảo đang làm với thương hiệu riêng King Coffee của mình.
Quyền lựa chọn đầu tiên thuộc về ông Vũ, nghĩa là nếu ông Vũ chọn nhóm tài sản Trung Nguyên thì bà Thảo sẽ nhận nhóm tài sản G7 hoặc ngược lại. Hơn nữa, sau khi đã chọn rồi, ông Vũ vẫn có thêm 1 tháng để suy nghĩ và thay đổi quyết định, theo đó, bà Thảo sẽ tiếp tục tôn trọng và chấp nhận lựa chọn cuối cùng của ông Vũ.
Theo Đình Văn