Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng lương hưu xây dựng trên quan hệ đóng – hưởng, không thể nào tính chuyện cắt lương hưu khi kỷ luật cán bộ vi phạm lúc đương chức.
Văn phòng Chủ tịch nước vừa tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 11 luật, bộ luật đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Luật có hiệu luật từ ngày 1/7/2020.
Giải thích rõ hơn về quy định mới được quan tâm là việc xử lý kỷ luật cán bộ đã về hưu nhưng có sai phạm từ khi còn đương chức, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, khoản 5 điều 84 luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ Công chức và luật Viên chức ghi rất rõ:
“Mọi hành vi vi phạm của những người đã nghỉ hưu, thôi việc trong thời gian giữ các chức vụ đều xử lý theo quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể xử hình sự hoặc hành chính hoặc xử kỷ luật”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, các hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách, cảnh cáo và xóa tư cách chức vụ. Đi kèm với đó là một số hệ quả pháp lý, gồm cả vật chất và tinh thần, nhưng cụ thể như thế nào luật giao Chính phủ quy định cụ thể.
“Hệ quả pháp lý, các vấn đề liên quan cả vật chất, tinh thần là vấn đề rất phức tạp, khi thảo luận ĐBQH cũng có nhiều ý kiến. Có ý kiến nêu là cắt lương hưu nhưng lương hưu xây dựng trên quan hệ đóng – hưởng, không thể nào tính chuyện này được”, ông Thăng nói.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng. (Ảnh: Thành An)
Ông cũng cho rằng, có thể xem xét một số quyền lợi gắn với chức vụ đó như khám chữa bệnh, khen thưởng như trong thời gian giữ chức vụ có bằng khen, huân chương thì kỷ luật.
“Đó là kỷ luật cả về vật chất và tinh thần. Trong đó, tinh thần là quan trọng nhất, đây là danh dự, tư cách chức vụ”, ông Thăng nói và cho rằng, Bộ Nội vụ cần phối hợp, thống nhất với Ban Tổ chức Trung ương để xem các chế độ đối với cán bộ về hưu có sai phạm, ví dụ như chế độ khám chữa bệnh hay chế độ xe công.
“Việc này, luật giao Chính phủ quy định cụ thể. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp, thống nhất với Ban Tổ chức TƯ để xem xét sao cho hợp lý”, ông Thăng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trong Bộ luật mới này nêu rõ: Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết điịnh đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.
Về kỷ luật cán bộ, công chức, có 3 loại thời hiệu xử lý kỷ luật: 2 năm, 5 năm và các trường hợp không áp dụng thời hiệu (cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp).
Luật lần này cũng nâng thời hạn xử lý kỷ luật lên 90 ngày và 150 ngày thay vì 60 ngày và 90 ngày như hiện hành. Đồng thời, luật bổ sung quy định thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự không được tính vào thời hạn xử lý kỷ luật.
Luật cũng quy định rõ việc bổ nhiệm khi bị kỷ luật là không bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng nếu bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương; không bổ nhiệm chức vụ trong 24 tháng nếu bị kỷ luật giáng chức, cách chức.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho hay, về đánh giá và xếp loại cán bộ, công chức, luật lần này bỏ cụm từ “nhưng còn hạn chế về năng lực” trong mức “hoàn thành nhiệm vụ”; đồng thời bổ sung nội dung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phải gắn với vị trí việc làm thông qua một số công việc, sản phẩm cụ thể.
Đối với công chức lãnh đạo, quản lý còn phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và không cao hơn mức xếp loại của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp phụ trách.
Về tuyển dụng công chức, luật mới bổ sung xét tuyển đối với người học theo chế độ cử tuyển, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và nhà khoa học trẻ tài năng.