Từng lên Shark Tank để tìm startup tiềm năng rót vốn, nhưng giờ đây chính Shark lại đang đi tìm nhà đầu tư để cứu mình.
Số phận những startup
Theo thông tin từ Shark Tank Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch EGroup, Chủ tịch Apax Holdings, công ty mẹ của Apax English từng tham gia chương trình trong 2 mùa. Khi đó ông Thủy cũng là một Shark có tỷ lệ đầu tư vào startup cao.
Soya Garden là startup mà ông Thủy tâm huyết khi rót vốn lên tới 15 tỷ đồng, bao gồm quyền kiểm soát tài chính của doanh nghiệp lẫn sở hữu 45% cổ phần với 4 tỷ đồng và 11 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu.
Trên thực tế, ông Thủy đầu tư 20 tỷ đồng vào dự án. Năm 2019, Egroup nâng mức đầu tư thành 45 tỷ cho Soya Garden. Tháng 4/2019, tập đoàn này tiếp tục công bố đầu tư thêm 55 tỷ, nâng tổng mức đầu tư lên 100 tỷ đồng, biến Soya Garden trở thành một trong những thương vụ đầu tư lớn nhất Shark Tank Việt Nam từ trước đến nay.
Sau khi mở rộng nhanh chóng, đến năm 2020 do ảnh hưởng của dịch, Soyga Garden đã phải cho đóng loạt cửa hàng. Trên trang web của Soya Garden, chuỗi này chỉ còn 4 điểm bán tại Hà Nội, trong đó có một cửa hàng nhượng quyền.
Soya Garden đóng cửa hàng loạt. (Ảnh: Duy Anh)
We Escape, một startup khác do ông Thủy rót vốn đã đóng cửa từ năm 2022. Startup gọi vốn thành công 5 tỷ đồng đổi lấy 36% từ Shark Thủy. Thực tế, ông Thủy đã đầu tư gấp 6 lần cam kết, khi chi 30 tỷ đồng để sở hữu 70% cổ phần, 30% cổ phần còn lại thuộc về những nhà sáng lập của mô hình kinh doanh này.
Trong suốt 2 năm dịch, chi phí mặt bằng quá lớn đã tác động nặng nề đến We Escape. Hệ thống phải đóng hơn một nửa số cửa hàng và chính thức gục ngã.
Nhà hàng chay Pema, một startup được Shark Thủy từng bỏ ra 3 tỷ đồng để đổi lấy 80% cổ phần, cũng đã đóng cửa vì đại dịch.
Shark gọi vốn cho mình
Tăng trưởng nóng, chủ quan trên đà chiến thắng, chính doanh nghiệp của ông Nguyễn Ngọc Thủy gặp khó khăn. Trong cuộc trò chuyện của báo Vietnamnet, ông Thủy cho hay, mỗi tháng chi phí hoạt động của chuỗi tiếng Anh khoảng hơn 100 tỷ đồng. Trong 6 tháng, doanh nghiệp tổn thất gần 1.000 tỷ đồng.
“Thời điểm này, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về mặt tài chính. Tôi cũng không lường hết được những khó khăn như vậy khi hệ thống giáo dục của mình mất gần 3 năm đóng cửa”, ông nói.
Theo ông Thủy, trước dịch, năm 2019, doanh nghiệp tăng trưởng nóng, đầu tư rất nhiều tiền để mở mới trung tâm. Vài tháng sau, Covid-19 xảy ra và trung tâm đóng cửa.
Ông Thủy đang tìm kiếm nhà đầu tư cho mình.
Lĩnh vực giáo dục khác biệt. Chuỗi Soya Garden theo tiêu chí, cứ một cơ sở đạt hiệu suất và các chỉ số cơ bản, sẽ mở thêm cơ sở thứ hai. Khi dịch xảy ra, ông cắt chuỗi nhanh, chấp nhận thua lỗ. Việc đó không ảnh hưởng đến khách hàng.
Với chuỗi giáo dục tiếng Anh, việc học cần được đảm bảo liên tục cho học viên. Phụ huynh đăng ký học trong nhiều năm nên phải duy trì hệ thống. Doanh nghiệp tồn đọng nhiều công nợ từ giai đoạn Covid-19 nên bị ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của các trung tâm. Công nợ với các chủ cho thuê mặt bằng chưa đàm phán được. Sau dịch Covid-19, trung tâm bị thiếu giáo viên, đặc biệt là ở tỉnh thành.
Ông Thủy cho biết, ông đang làm việc với các Quỹ đầu tư nhưng việc này không thể nhanh được. Một số nhà đầu tư thỏa thuận mở trung tâm, phía ông Thủy tham gia vận hành.
“Dịch Covid-19 xảy ra là cú nặng nhất trong cuộc đời khởi nghiệp kinh doanh của chúng tôi. Đáng nhẽ, chúng tôi phải phản ứng tốt hơn”, ông Thủy nói.
Duy Anh