Bạn đọc Đỗ Lệnh Đạt, sống tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội hỏi: ‘Bác tôi có sử dụng rượu bia trong một buổi liên hoan đồng niên ở quê, sau đó nhất quyết muốn đi xe đạp về nhà. Vậy, nếu bị phát hiện thì lực lượng chức năng xử lý ra sao, và nếu bác ấy đi bộ về có vi phạm luật khi tham gia giao thông?’.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết Nghị định 100/2019/NĐ-CP (số: 100/2019/NĐ-CP, ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ) quy định, hành vi sử dụng phương tiện giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn sẽ bị xử lý bao gồm các đối tượng sau:
Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng; Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác.
“Như vậy, nếu bác của bạn đã sử dụng rượu bia mà đi xe đạp, thì khi bị lực lương chức năng dừng xe kiểm tra, có nồng độ cồn trong hơi thở vẫn sẽ bị xử phạt”, luật sư Tuấn nói.
Đã sử dụng rượu bia là không trực tiếp tham gia giao thông (Ảnh minh họa)
Về mức phạt, theo quy định tại Điểm q Khoản 1, Điểm e Khoản 3, Điểm c Khoản 4 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định về xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
Phạt tiền từ 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
Phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng nếu trong máu hoặc hơi thở của tài xế có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Phạt tiền từ 400 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng đối với tài xế mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Ngoài bị phạt tiền, tài xế vi phạm nồng độ cồn sẽ bị tước giấy phép lái xe và tạm giữ phương tiện.
Theo luật sư Tuấn, mọi trường hợp người điều khiển xe trên đường mà vi phạm nồng độ cồn đều bị xử phạt nghiêm. Nếu người điều khiển phương tiện cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ, hoặc có hành vi chống đối thì bị phạt tiền ở mức kịch khung, đồng thời có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội như chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng…
Điều đáng nói, tuy Nghị định 100/2019/NĐ-CP không quy định xử phạt người đi bộ tham gia giao thông mà có nồng độ cồn quá 0 trong cơ thể nhưng người nào uống rượu, bia rồi đi bộ trên đường và gây ra lỗi (như vượt đèn đỏ, đi sai luật, có những hành vi mất kiểm soát tâm sinh lý… dẫn đến va chạm, tai nạn giao thông) thì hoàn toàn có thể bị xử phạt.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 260 Mục 1 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, nếu người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Nếu gây ra tai nạn giao thông mà hậu quả lớn hơn có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Ở góc độ khác, theo Điều 5 Chương I Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 (số: 44/2019/QH14, ngày 14 tháng 06 năm 2019) việc xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia là một trong những hành vi đã bị pháp luật nghiêm cấm thực hiện.
Do đó, nếu bác bạn gây ra lỗi dẫn đến va chạm, tai nạn giao thông, tùy vào mức độ, hậu quả mà lực lượng chức năng có thể điều tra, xác minh, củng cố hồ sơ để xử phạt đối với những cá nhân có liên quan tới hành vi xúi giục, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia trong sự kiện liên hoan đó, căn cứ theo Điều 30 Mục 1 Chương II Nghị định 117/2020/NĐ-CP (số: 117/2020/NĐ-CP, ngày 28 tháng 9 năm 2020) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Theo Khoản 5 Điều 4 Chương I Nghị định 117/2020/NĐ-CP thì mức phạt tiền được quy định trên đây là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Có thể thấy, thời gian qua, việc xử phạt nghiêm các “ma men” khi tham gia giao thông đã có những tác động rất tích cực đến ý thức của người dân (cả người điều khiển và người đi cùng), dần dần triệt tiêu tâm lý “xin – cho”.
Trong bối cảnh áp lực giao thông ngày càng nặng nề như hiện nay, việc chấn chỉnh ý thức, xây dựng văn hóa giao thông trong người dân là điều kiện rất quan trọng để giảm thiểu ùn tắc đồng thời kéo giảm cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn giao thông, số người bị chết và số người bị thương).
“Dịp Tết Nguyên đán 2023 vừa qua, những cụm từ như không xin được, không làm luật, xử nghiêm bất kể đó là ai… đã lan tỏa rộng khắp, tạo hiệu ứng tâm lý mạnh mẽ, phê phán những thói quen xấu trong văn hóa giao thông. Điều quan trọng hiện nay, lực lượng chức năng cần duy trì được tinh thần vào cuộc nghiêm minh, quyết liệt”, luật sư Tuấn nhấn mạnh.
Anh Tuấn