logo
banner top

Chuyên gia: “Toà vượt quyền khi giao cổ phần cho Đặng Lê Nguyên Vũ”

Ngày đăng: 31/03/2019 18:49

Các luật sư cho rằng, HĐXX buộc bà Lê Hoàng Diệp Thảo giao hết cổ phần cho ông Vũ và nhận tiền là vượt quá thẩm quyền của vụ ly hôn.

TAND TP HCM hôm 27/3 tuyên cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên) được hưởng 60% giá trị tài sản là cổ phần của các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, bà Thảo hưởng 40%. Đồng thời, tòa buộc bà Thảo giao toàn bộ cổ phần cho ông Vũ và nhận lại số tiền tương ứng với giá trị mình sở hữu.

Theo phán quyết của tòa bà Thảo phải nhượng lại quyền sở hữu đối với cổ phần của mình cho ông Vũ và nhận lại bằng tiền. Ảnh: Thành Nguyễn. 

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ảnh: Thành Nguyễn. 

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, phán quyết của tòa chủ yếu căn cứ vào quy định tại Điều 64 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh. Từ đó, toà quyết định cho ông Vũ được nhận toàn bộ cổ phần của bà Thảo và thanh toán lại bằng tiền.

Nguyên tắc chia tài sản quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 (khoản 3 Điều 59) là: Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị. Bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Tòa án chỉ chia theo giá trị tài sản khi tài sản không thể phân chia được như: quyền sở hữu nhãn hiệu, thương hiệu… Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp 2014, cổ phần là loại tài sản có thể phân chia được.

“Việc tòa án tự phân chia cổ phần theo tỷ lệ 60-40 và buộc Bà Thảo nhận số tiền chênh lệch mà không được nhận cổ phần là chưa đúng với quy định pháp luật, chưa giải quyết tương ứng với yêu cầu của người khởi kiện”, luật sư Trạch nêu quan điểm. “Sau khi chia cổ phần, tòa án nên để cho ông Vũ, bà Thảo với tư cách là cổ đông của công ty tự giải quyết theo quy định của Luật Doanh nghiệp, điều lệ công ty…. chứ không can thiệp quá sâu vào quyền với tài sản của các bên”.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho rằng, HĐXX đã vượt quá thẩm quyền của phiên tòa hôn nhân gia đình. Theo quy định tại Điều 28 Bộ Luật TTDS 2015, những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa gồm: ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân…

“Quyền điều hành công ty hay quyền của cổ đông không thuộc thẩm quyền giải quyết của HĐXX. Việc tòa tuyên ông Vũ được quyền sở hữu toàn bộ cổ phần và trả lại cho bà Thảo bằng tiền là tước quyền cổ đông của bà”, luật sư Trang nói.

Điều 64 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.

Trong khi, Điều 114 Luật Doanh nghiệp quy định, quyền của cổ đông bao gồm các quyền như: nhận cổ tức, tự do chuyển nhượng cổ phần, biểu quyết thông qua các vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty… “Cổ phần không phải là tài sản chung thuần túy như các loại tài sản chung khác. Việc sở hữu cổ phần gắn liền với nhiều quyền lợi, được điều chỉnh riêng bởi Luật Doanh nghiệp”, bà Trang nói.

Luật sư phân tích thêm, Bộ Luật dân sự 2015 (Khoản 1 Điều 219) quy định khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật, thì chủ sở hữu chung có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác. Trong vụ án này, bà Thảo không tự nguyện bán cổ phần của mình. Giữa ông Vũ và bà Thảo không có thỏa thuận về việc chuyển giao cổ phần để nhận lại bằng tiền.

“Mặc dù ông Vũ có đơn yêu cầu phản tố đòi nhận toàn bộ cổ phần chung của hai vợ chồng tại Trung Nguyên và trả lại tiền cho bà Thảo. Nhưng quá trình giải quyết vụ án bà Thảo không đồng ý. Hai bên chưa từng đạt được thỏa thuận về vấn đề này. Vì vậy, việc phân chia của tòa là trái pháp luật”, luật sư Trang nói.

Tương tự, một số luật sư khác cũng cho rằng HĐXX có thể chia tài sản chung cho hai bên dưới dạng cổ phần. Việc có để lại cho người kia hay không do họ tự thỏa thuận hoặc giải quyết bằng vụ án khác theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Ông Vũ được quyền điều hành thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Ảnh: Thành Nguyễn.

Ông Vũ được quyền điều hành thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Ảnh: Thành Nguyễn.

Sau hơn một tháng xét xử, hôm 27/3, HĐXX đã chấp nhận cho bà Thảo và ông Vũ ly hôn, giao các con cho bà Thảo nuôi dưỡng. Ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho các con mỗi năm 10 tỷ đồng và được quyền chăm sóc, thăm nuôi con mà không được ai ngăn cản.

Về tài sản, HĐXX ghi nhận thỏa thuận chia đôi giá trị tài sản của 13 bất động sản cho mỗi bên. Đối với cổ phần sở hữu chung của hai vợ chồng trị giá khoảng 5.700 tỷ đồng HĐXX chia cho ông Vũ hưởng 60%, bà Thảo 40%. Ông Vũ được sở hữu cổ phần của bà Thảo và thanh toán lại bằng tiền – tức giao quyền điều hành Trung Nguyên cho ông Vũ.

Hơn 1.764 tỷ đồng tại các ngân hàng, tòa chia đôi nhưng có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên, giao cho bà Thảo tiếp tục quản lý và cấn trừ vào cổ phần ông Vũ nhận lại.

Theo Hải Duyên

Theo VnExpress

Tags: , ,