Việc bà Thảo yêu cầu ly hôn là quyền của đương sự. Rất tiếc, trong quá trình giải quyết, chủ tọa lại khuyên bà Thảo giao công ty cho ông Vũ quản lý, lui về chăm sóc con cái là sự thiếu chuẩn mực, trái với Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới
Tại phiên tòa xét xử vụ “Ly hôn” của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, theo thông tin trên báo chí, chủ tọa liên tục khuyên bà Lê Hoàng Diệp Thảo giao công ty cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ quản lý, rút lui về chăm sóc con cái để “sống như bà hoàng”. Nếu những gì báo chí phản ảnh là chính xác thì vị thẩm phán chủ tọa này đã không thực thi đúng nguyên tắc vô tư khách quan của người “cầm cân nảy mực”.
Hòa giải chứ không được thiên vị
Theo quy định tại điều 16 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, trường hợp thẩm phán hoặc hội thẩm nhân dân có lời nói hoặc hành vi có tính “định hướng” theo hướng có lợi cho một bên là vi phạm nguyên tắc “đảm bảo sự vô tư, khách quan trong tố tụng dân sự”. Đương sự có quyền yêu cầu người có thẩm quyền thay đổi thẩm phán, hội thẩm nhân dân nếu có căn cứ cho rằng họ không vô tư, khách quan khi làm nhiệm vụ.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo trả lời tòa. Ảnh: Phạm Dũng
Trong quá trình tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc, thẩm phán được phân công giải quyết có trách nhiệm tiến hành hóa giải, động viên các bên thỏa thuận giải quyết vụ việc nhưng tuyệt đối không được đưa ra quan điểm mang tính chủ quan của cá nhân, áp đặt hoặc gợi ý trái luật. Chủ tọa chỉ có thể giải thích pháp luật để các bên tự quyết định về việc giải quyết vụ việc. Nếu các bên không tự thỏa thuận được hướng giải quyết vụ việc thì tòa án sẽ quyết định trên cơ sở pháp luật. Việc hòa giải của tòa án diễn ra trước khi mở phiên tòa.
Tại phiên tòa, hội đồng xét xử (HĐXX) có thể động viên để các bên thỏa thuận về việc giải quyết vụ việc. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tòa tiếp tục xét xử và đưa ra phán quyết bằng một bản án.
Phiên tòa xét xử vụ “Ly hôn” của vợ chồng ông Vũ, bà Thảo cũng không nằm ngoài những nguyên tắc chung này. Lời khuyên “gây bão” vừa qua của vị chủ tọa có thể diễn ra trong bối cảnh HĐXX động viên các bên hòa giải về vụ việc. Tuy nhiên, lời động viên của vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã gây tranh cãi do hàm chứa nội dung xem nhẹ vai trò của người phụ nữ, trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật hiện hành.
Vi phạm nguyên tắc bình đẳng giới
“Lời khuyên” của vị chủ tọa không những không bảo đảm về sự vô tư, khách quan của người “cầm cân, nảy mực” mà còn cho thấy không phù hợp với tinh thần của Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình về quyền nhân thân trong Hôn nhân và gia đình, quyền bình đẳng của vợ chồng. Cụ thể:
Điều 39, Bộ Luật Dân sự quy định: Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con, quan hệ giữa các thành viên gia đình.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại phiên tòa xét xử ly hôn. Ảnh: Phạm Dũng
Điều 17 và điều 51 của Luật Hôn nhân và Gia đình quy định rõ về sự bình đẳng của vợ chồng về quyền, nghĩa vụ trong hôn nhân; quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Vợ chồng có quyền ngang nhau trong quan hệ hôn nhân, tài sản, nuôi dưỡng con cái; đồng thời một trong các bên có quyền đơn phương yêu cầu tòa án giải quyết việc ly hôn, không ai có quyền cản trở việc thực hiện quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của vợ hoặc chồng.
Việc bà Thảo yêu cầu ly hôn là quyền của đương sự, phù hợp với quy định pháp luật. Rất tiếc, trong quá trình giải quyết, chủ tọa lại “động viên” bà Thảo giao công ty cho ông Vũ quản lý, lui về chăm sóc con cái là sự thiếu chuẩn mực. Bởi lẽ, việc chăm sóc, nuôn dưỡng con cái không chỉ của người vợ mà là trách nhiệm của cả vợ chồng. Đồng thời, người vợ có quyền bình đẳng với chồng trong việc quản lý, khai thác tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Đặc biệt, câu nói của vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa còn đi ngược lại tinh thần, nguyên tắc cơ bản của Luật Bình đẳng giới năm 2006. Ngay tại khoản 3 điều 5 của luật này đưa ra khái niệm về bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Luật Bình đẳng giới năm 2006 nêu rõ:
-Nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, đồng thời nghiêm cấm về hành vi định kiến hoặc phân biệt đối xử về giới.
-Vợ, chồng bình đẳng với nhau trong quan hệ dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.
Theo Luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM)