Hơn chục năm trước, bà Dương Thị Bạch Diệp ở trên đỉnh của sự giàu sang với khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng. Giờ đây, người phụ nữ ấy xuất hiện với hai tay bị còng… bị đề nghị án tù chung thân.
Sáng 22/3, tại phiên tòa xét xử vụ án hoán đổi khu đất ở địa chỉ số 57 đường Cao Thắng (57 Cao Thắng) lấy khu đất ở số 185 đường Hai Bà Trưng (185 Hai Bà Trưng, quận 3, TP HCM), đại diện VKS đề nghị HĐXX phạt bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương), án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Từ hai bàn tay trắng thành đại gia bất động sản
Bà Dương Thị Bạch Diệp sinh năm 1948, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, sau đó theo gia đình tập kết ra Bắc và sinh sống học tập tại Hải Phòng.
Năm 1971, bà Diệp tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, bắt đầu sự nghiệp với vị trí công chức tiền lương tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng.
Năm 1975, bà Diệp cùng gia đình chuyển vào sinh sống và công tác ở An Giang. Sau đó lại chuyển lên TPHCM công tác tại Công ty Bao bì xuất khẩu, trực thuộc Bộ Ngoại thương (thời đó).
Trải qua nhiều năm làm công chức, nhưng cuộc sống của bà vẫn luôn khó khăn do đồng lương thấp. Năm 1984, bà Diệp đi đến quyết định xin nghỉ việc để bắt tay vào khởi nghiệp kinh doanh.
Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp ở thời kỳ đỉnh cao. Ảnh: Plo.
Hành trình trở thành “đại gia” bất động sản của bà Bạch Diệp bắt đầu từ những căn nhà… cũ. Những căn nhà cũ, nhỏ bà mua với giá rẻ, sửa lại rồi bán giá cao hơn gấp đôi, gấp ba… Cứ như vậy đến một ngày bà có trong tay số tài sản lên đến hàng ngàn lượng vàng.
Khi đã tích lũy được số vốn đủ lớn, bà Diệp không chỉ mua bán chung cư cũ mà bắt đầu lấn sang những sản phẩm lớn hơn như trung tâm thương mại, văn phòng làm việc…
Tại thời điểm tháng 1/2019, bà Dương Thị Bạch Diệp là người đại diện pháp luật của 4 công ty, trong đó 2 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, chỉ còn lại 2 đơn vị là: Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương (Diệp Bạch Dương) và Công ty TNHH Nam Nam Phương (Nam Nam Phương).
Cuối những năm 90 và thập niên 2000, cái tên Dương Thị Bạch Diệp và Công ty Diệp Bạch Dương nổi như cồn. Có tin đồn cho rằng, tối nhắm mắt lại, sáng mở mắt ra đại gia Dương Thị Bạch Diệp đã thu về hàng tỷ đồng.
Quả thật, như bà từng chia sẻ với báo giới, bà Diệp từng sở hữu nhiều biệt thự và khu “đất vàng” tại TP Hồ Chí Minh như: Dự án khách sạn 5 sao Diep Bach Duong’s Senla Boutique (Senla Boutique tại 111 Hai Bà Trưng); dự án Khách sạn kết hợp trung tâm hội nghị, tiệc cưới cao cấp tại số 179 Bis Hai Bà Trưng; 7 mặt bằng tại số 31 Lê Duẩn (quận 1).
Năm 2014, nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp từng chia sẻ với báo chí giá trị tài sản của mình có thời điểm lên mức xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, thông qua các bất động sản nắm giữ và tài sản cá nhân. Vì vậy bà Dương Thị Bạch Diệp còn được mệnh danh là “Bông hồng vàng” một thời của giới doanh nhân nữ.
Ngoài bất động sản, ngày 23/11/2007, bà Diệp mua xe Rolls-Royce Phantom – mẫu chính hãng đầu tiên nhập về Việt Nam. Ngày 28/1/2008, xe về đến Việt Nam. Giá xe sau thuế là 1,3 triệu USD (tương đương 23 tỷ lúc bấy giờ), trở thành chiếc ôtô đắt nhất Việt Nam.
Chiếc xe đắt nhất Việt Nam của nữ đại gia bất động sản mang biển số đặc biệt: 77L-7777.
Từ nợ xấu tới nợ thuế rồi “ngã ngựa”
Khủng hoảng kinh tế năm 2009 ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị bất động sản. Bất động sản bị đóng băng và những người sở hữu nhiều bất động sản bắt đầu cảm thấy “nóng” khi giá bất động sản không tăng mà nợ dần ngập đầu. Và nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp không phải là ngoại lệ của vòng quay nghiệt ngã ấy.
Tháng 10/2008, bà Diệp ký hợp đồng vay của ngân hàng 14.000 lượng vàng SJC để mua căn nhà 57 Cao Thắng, quận 3. Sau đó, bà Diệp vay thêm 67.000 lượng vàng SJC thông qua 3 hợp đồng tín dụng từ tháng 12/2008 đến tháng 1/2009, nhưng cả 3 hợp đồng đều không trả nợ đúng hạn.
Toàn bộ dư nợ gốc còn lại hơn 66.600 lượng vàng chưa trả, được bà Diệp và ngân hàng thống nhất chuyển đổi sang tiền Việt Nam trị giá gần 3.000 tỷ đồng.
Sự nghiệp xuống dốc với các thông tin nợ ngân hàng đầm đìa, bên bờ vực phá sản, nữ đại gia từng tuyên bố sẽ bán tài sản gồm cả siêu xe này để trả nợ.
Nữ đại gia Bạch Diệp tại tòa. Ảnh: Vietnamnet
Ngày 18/01/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương, Agribank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan. Để phục vụ công tác điều tra, bà Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương cũng bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong phiên xét xử sáng 22/3, VKS cho rằng bị cáo Dương Thị Bạch Diệp có hành vi gian dối. Tài sản tại 57 Cao Thắng đang thế chấp vay 8.700 lượng vàng nhưng bị cáo Diệp lại đem hoán đổi để lấy miếng đất 185 Hai Bà Trưng của nhà nước. Bị cáo Diệp dùng giấy photo để che giấu việc tài sản đã bị thế chấp. Sau đó tiếp tục lấy tài sản 185 Hai Bà Trưng của nhà nước để đem thế chấp tại một ngân hàng khác. Hành vi này nhằm chiếm đoạt tài sản nhà nước.
Bị cáo Diệp đã lợi dụng một số cán bộ cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi trên. Trong quá trình xét xử, bị cáo Diệp không thừa nhận tài sản 57 Cao Thắng đang thế chấp tại ngân hàng mà còn đổ lỗi cho các cơ quan nhà nước, đổ lỗi cho các bị cáo trong vụ án…
VKS cho rằng, việc bị cáo Diệp phủ nhận trách nhiệm của mình là không có căn cứ. Trên hồ sơ thực tế, bị cáo Diệp là người ký nhiều giấy tờ để thế chấp ngân hàng, giấy nhận nợ… Bị cáo Diệp biết sai nhưng vẫn làm, điều này cho thấy bị cáo thể hiện ý chí chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 186 tỷ đồng.
Theo Hoàng Minh
https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/truoc-khi-nga-ngua-dai-gia-duong-thi-bach-diep-giau-sang-the-nao-1513974.html