Bà Lê Hoàng Diệp Thảo gửi đơn kêu cứu Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đề nghị công khai phiên giám đốc thẩm, xem xét kháng nghị hủy án của VKSND Tối cao.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo vừa gửi đơn “kêu cứu” khẩn cấp tới Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) để xem xét hủy toàn bộ hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm trong vụ ly hôn của gia đình Trung Nguyên.
Đồng thời, bà Thảo đề nghị tổ chức phiên giám đốc thẩm công khai nhằm tránh những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng từng xảy ra trong cả hai phiên tòa trước.
Vi phạm thủ tụng tố tụng tại 2 phiên tòa?
Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, ngày 11/4/2019, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM (VKSND) đã có Quyết định kháng nghị và chỉ ra 11 điểm sai phạm nghiêm trọng, đề nghị Tòa án TAND cấp cao tại TP.HCM hủy bản án sơ thẩm.
Cụ thể 11 sai phạm được chỉ ra như: Tòa không thu thập đầy đủ chứng cứ, vi phạm thủ tục tố tụng khi giải quyết yêu cầu phản tố của đương sự, không tổ chức đối chất, tiếp cận công khai chứng cứ, sử dụng những chứng cứ không chính xác… Bà Thảo cho rằng những sai phạm này gây thiệt hại nghiêm trọng cho bà.
Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm vào tháng 12/2019, lại một lần nữa nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, về áp dụng các quy định của pháp luật liên quan trong việc xét xử, xác định và phân chia khối tài sản chung của vợ chồng Trung Nguyên lại tiếp tục lặp lại, trong đó nghiêm trọng nhất là tước toàn bộ quyền cổ đông và quyền kinh doanh hợp pháp của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên – nơi bà vẫn đang là đồng sáng lập và đồng sở hữu.
Vì thế, ngày 31/3, Viện trưởng VKSND Tối cao lại tiếp tục có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét hủy toàn bộ đối với hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo gửi đơn ‘kêu cứu’ Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Bà Thảo kêu cứu khẩn cấp
Lo lắng trước những sai phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng tại cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, khả năng kháng nghị hủy án của VKSND lại không được xem xét nghiêm túc, bà Thảo một lần nữa gửi đơn khẩn cấp và trình bày nỗi oan ức của mình.
Theo đơn của bà Thảo, tất cả các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và tài sản vô hình, hơn 14 nhãn hiệu trong đó có 2 nhãn hiệu lớn là Trung Nguyên và G7, đều do hai vợ chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân và sở hữu ngay từ những ngày đầu cho đến nay. Vì thế, việc giải quyết phân chia tài sản chung của vợ chồng thiếu sự công bằng, không khách quan.
Cụ thể, theo kháng nghị của VKSND, các chứng thư thẩm định và báo cáo kết quả thẩm định giá đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên phát hành ngày 25/6/2018, đến ngày xét xử sơ thẩm là 20/2/2019 đều đã hết hiệu lực.
Sau phiên xử sơ thẩm, rồi đến phiên phúc thẩm, tòa cũng không định giá lại theo quy định mà vẫn lấy kết quả thẩm định giá hết hiệu lực để chia tài sản cho các bên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Mặt khác, trong các tài khoản tại ngân hàng xuất nhập khẩu Việt Nam có tên ông Lê Hoàng Văn nhưng tòa án hai cấp không làm rõ nguồn gốc số tiền (1.400.269 GBD và 7.350.000 USD), không làm rõ quá trình quản lý, sử dụng, tài sản hiện tại còn bao nhiêu, ai là người quản lý… mà vẫn xác định là tài sản chung của vợ chồng và chia cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo số tiền này là không đúng.
Kháng nghị chỉ rõ, tòa sơ thẩm và phúc thẩm không xác minh để đưa những người có quyền nghĩa vụ liên quan vào vụ án, lấy kết quả thẩm định giá đã hết hiệu lực để giải quyết… là những vi phạm tố tụng nghiêm trọng, cùng với việc tuyên án giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ, buộc bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải nhận giá trị quy đổi bằng tiền, mất trắng cổ phần và quyền kinh doanh hợp pháp tại Trung Nguyên đã gây bức xúc dư luận trong thời gian dài, đặc biệt là cộng đồng doanh nhân và các nhà đầu tư.
Kháng nghị cũng đề nghị giao hồ sơ cho TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lại từ đầu.
Thêm chứng cứ
Mới đây nhất, các luật sư của bà Lê Hoàng Diệp Thảo còn phát hiện thêm việc cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã bỏ sót một tài sản lớn chung của cả hai vợ chồng bà tại Phú Quốc, không điều tra làm rõ và không triệu tập người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, để từ đó không giải quyết phân chia, giúp cho ông Vũ hưởng lợi riêng. Toàn bộ chứng cứ, hồ sơ đã được gửi tới TAND tỉnh Kiên Giang.
Ngày 24/9/2020, TAND tỉnh Kiên Giang ra thông báo số 190/2020/TB-TA liên quan đến việc thụ lý vụ án này. Đây là tình tiết cần được đưa vào để xem xét việc hủy án tại phiên giám đốc thẩm, do những sai phạm nghiêm trọng mới phát hiện trong thủ tục tố tụng của phiên sơ thẩm và phúc thẩm trước đó.
Đề nghị công khai phiên giám đốc thẩm
Trong đơn khiếu nại khẩn cấp của mình, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho hay: “Hai bản án tuyên có quá nhiều điểm vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ (đánh giá không đầy đủ, khách quan về các chứng cứ chứng minh về nguồn gốc tài sản chung và công sức đóng góp của các đương sự), đưa thiếu người tham gia tố tụng, có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật doanh nghiệp khi tước quyền tự định đoạt của cổ đông bằng việc chỉ định người nhận cổ phần và người nhận trị giá tài sản.
Những vi phạm này làm sai lệch các phán quyết của cơ quan xét xử, không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi mà còn khiến cho dư luận xã hội quan tâm và vô cùng bức xúc, ảnh hưởng đến niềm tin vào công lý và sự thượng tôn của pháp luật”.
Xuất phát từ lý do trên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đề nghị việc mở phiên giám đốc thẩm được đưa ra họp công khai, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí được tham dự và truyền tải thông tin chính xác, giúp cho công luận hiểu rõ sự thật khách quan.
Trên cơ sở đó, cùng với kháng nghị của VKSND Tối cao, Hội đồng thẩm phán có cơ sở xem xét việc hủy án, tạo điều kiện cho gia đình Trung Nguyên có cơ hội hội hàn gắn, để cùng nhau giữ gìn và điều hành Tập đoàn Trung Nguyên, tiếp tục đưa thương hiệu cà phê này ngày càng phát triển, góp phần xây dựng đất nước.
Theo Thiếu Huyền
https://vtc.vn/ba-le-hoang-diep-thao-gui-don-keu-cuu-hoi-dong-tham-phan-toi-cao-vu-xu-ly-hon-ar572773.html