Trong thời gian đầu, Viettel cung cấp eSIM qua hệ thống cửa hàng trực tiếp (mở cửa trong suốt dịp Tết Nguyên đán), và sẽ sớm hỗ trợ việc đăng ký mới hoặc chuyển đổi từ thẻ SIM vật lý sang eSIM trên kênh trực tuyến.
Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội cho biết, hiện tại, Viettel đã hợp tác với một số doanh nghiệp lớn để chuẩn bị cung cấp eSIM gắn trên các sản phẩm thiết bị IoT. “Xu hướng sắp tới là các thiết bị IoT sẽ dùng tới eSIM để giảm thiểu ảnh hưởng bởi tác động vật lý.
eSIM không cần phải tháo lắp để kích hoạt hoặc chuyển đổi như SIM vật lý nên tối ưu được tính thuận tiện. Trong thời gian tới, eSIM có thể lắp vào chiếc xe điện để giám sát hành trình, chống trộm hiệu quả và kết nối các ứng dụng thông minh”, ông Tào Đức Thắng nhấn mạnh.
eSIM có chiều dài và chiều rộng dưới 5 mm, được hàn trực tiếp vào bảng mạch của thiết bị khi sản xuất nhưng vẫn có đầy đủ chức năng như thẻ SIM thông thường. Chuẩn này đã được công nhận bởi Hiệp hội GSM và hiện nay đã có 24 nhà mạng thuộc 15 nước trên thế giới hỗ trợ tại Anh, Mỹ, Đức, Hongkong, Thái Lan…
Tương tự, sau thời gian thử nghiệm nội bộ, VinaPhone cũng đã cho phép người dùng đăng kí chuyển đổi eSIM trực tuyến, sau đó sẽ có nhân viên đến nhà để làm thủ tục.
Mọi thao tác kích hoạt eSIM trên thiết bị khá đơn giản và thuận tiện với 3 bước chạm trong vòng 20 giây. Các cuộc gọi, SMS, tốc độ 4G và truy cập mạng được thực hiện như SIM vật lý. Điều đó cho thấy, người dùng iPhone đã có thể lựa chọn VinaPhone eSIM để dùng 2 SIM thay vì phải sử dụng iPhone của thị trường Hồng Kông hoặc Trung Quốc như trước.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng giám đốc VinaPhone cho biết: “Cùng với công nghệ eSIM hiện đại nhất, việc cung cấp tại nhà sẽ giúp khách hàng thuận tiện và được phục vụ tốt nhất. Đây cùng là tôn chỉ mà VinaPhone luôn theo đuổi”.