Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ cựu Chủ tịch Công ty Alibaba Nguyễn Thái Luyện) một mực kêu oan về cáo buộc chủ mưu ‘rửa tiền’. Còn bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai, đồng thời là trợ lý của Nguyễn Thái Luyện) khai hoàn toàn tin tưởng vào hoạt động kinh doanh của anh trai nên không biết hành vi của mình là đúng hay sai.
Chiều nay (9/12), phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba và các công ty thành viên tiếp tục với phần xét hỏi.
Các bị cáo đầu vụ tại phiên tòa xét xử vụ án xảy ra tại Công ty Alibaba.
HĐXX đã xét hỏi các bị cáo về hành vi liên quan tới tội danh “Rửa tiền”. Ở tội danh “Rửa tiền”, bị cáo Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc tài chính Công ty Alibaba, vợ của bị cáo Nguyễn Thái Luyện) bị cáo buộc là chủ mưu.
Theo nội dung cáo trạng, ngày 18/9/2019, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại công ty Alibaba. Lo sợ số tiền gửi trong ngân hàng sẽ bị phong tỏa, chỉ một ngày sau, bị cáo Mai đã chỉ đạo Huỳnh Thị Kim Thắng (nhân viên kế toán) chuyển số tiền 13 tỷ đồng vào tài khoản của bà Mai mở tại Ngân hàng ACB.
Cùng ngày bị cáo Mai còn chuyển vào tài khoản của bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai đồng thời là trợ lý của Chủ tịch Công ty Alibaba Nguyễn Thái Luyện). Bà Mai yêu cầu bị cáo Lực rút tiền mặt và giao lại cho bà sử dụng. Đến nay, Cơ quan điều tra vẫn chưa thu hồi được số tiền này.
Tuy nhiên, khi trả lời chủ tọa, bị cáo Võ Thị Thanh Mai một mực kêu oan và phủ nhận cáo buộc nêu trên. Bị cáo Mai khai số tiền 13 tỷ đồng liên quan trong vụ án có nguồn gốc từ tiền công ty thu từ khách hàng. Bị cáo Mai nói không chỉ đạo ai đi rút tiền mà do các cá nhân tự làm. Ngoài ra, bị cáo này còn nói không biết công an khởi tố điều tra đối với Công ty Alibaba vào ngày 18/9/2019 và mọi hoạt động của công ty phải dừng lại.
Chủ tọa truy vấn: “tự nhiên rút ào ào như vậy có bất thường không? Sao không rút từ từ và dòng tiền 13 tỷ đồng ‘đi’ như thế nào?”
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai đáp: sau khi bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng tất toán hai khoản nợ vay 30 tỷ đồng và 18 tỷ đồng thì còn dư 13 tỷ đồng và bị cáo Thắng đã chuyển số tiền trên cho bị cáo Mai vì bị cáo Thắng muốn chứng minh là đã trả tiền cho bị cáo Mai (trước đó bị cáo Mai nhờ bị cáo Thắng đứng tên giùm). Sau đó, bị cáo Mai ra Ngân hàng ACB rút tiền…
Vẫn theo lời bị cáo Mai, sau khi rút được 13 tỷ đồng, bà trả nợ hết 3 tỷ đồng và chi 9 tỷ đồng cho một người bạn.
Trong khi đó, bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng thừa nhận đã được bị cáo Mai nhờ đứng tên một sổ tiết kiệm 31 tỷ đồng. Sau đó, bị cáo Thắng đã liên hệ với bà Mai để làm rõ về việc đứng tên này. Bà Mai đã chỉ đạo Thắng tất toán khoản nợ trên và chuyển số tiền còn lại cho bà. Bị cáo Thắng đã thực hiện như chỉ đạo của phu nhân cựu Chủ tịch Công ty Alibaba.
Bị cáo Thắng khai nhận, ban đầu không nhận thức được hành vi của mình là sai. Sau khi làm việc với Cơ quan điều tra, bị cáo mới biết được hành vi của mình là vi phạm pháp luật và bị cáo chỉ vô tình phạm tội.
Đối với bị cáo Nguyễn Thái Lực, cáo trạng của Viện Kiểm sát cáo buộc: Chiều 18/9/2019, Cơ quan điều tra khám xét trụ sở Công ty Alibaba tại số 120-122 Kha Vạn Cân. Sáng hôm sau (tức ngày 19/9/2019), khi việc khám xét đã kết thúc, bị cáo Lực về trụ sở công ty và được bị cáo Võ Thị Thanh Mai chuyển 13 tỷ đồng (từ nguồn tiền của Công ty Alibaba) vào tài khoản của Lực và chỉ đạo đi rút tiền mặt mang về cho bị cáo Mai,
Bị cáo Nguyễn Thái Lực đã rút toàn bộ số tiền 13 tỷ đồng tiền mặt về giao lại cho bị cáo Mai. Hành vi của hai bị cáo này khi Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án là nhằm mục đích che giấu nguồn tiền mà Lực biết rõ là do phạm tội mà có nên đã phạm vào tội “Rửa tiền”.
Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thái Lực nói không biết hành vi của bị cáo là đúng hay sai. Theo bị cáo Lực, do Nguyễn Thái Luyện là anh trai nên khi được bổ nhiệm làm trợ lý cho bị cáo Luyện, bị cáo Lực hoàn toàn tin tưởng vào hoạt động kinh doanh của anh trai mình.
Bị cáo Nguyễn Thái Lực cũng khai nhận bản thân chưa từng được đào tạo nghiệp vụ. Tất cả mọi việc bị cáo này làm theo chỉ đạo của anh trai và không biết hành vi của mình là đúng hay sai.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Phiên tòa sơ thẩm đang xét xử bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 18 bị cáo khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hai bị cáo Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm) và Nguyễn Thái Lực (Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và thương mại Địa Ốc Xanh, em ruột Luyện) bị xét xử về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”. Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán trưởng Công ty Alibaba) bị xét xử tội “Rửa tiền”.
Cáo trạng xác định, bị cáo Nguyễn Thái Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt 2.300 tỷ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, Cơ quan điều tra đã làm việc được với 4.065 khách hàng, tố cáo bị chiếm đoạt 2.100 tỷ đồng.
Tân Châu