logo
banner top

Vì sao Món Huế ‘đốt’ gần 1.500 tỉ đồng vẫn sụp đổ?

Ngày đăng: 24/10/2019 13:05

Chuỗi nhà hàng Món Huế đã tạo ra cú sốc cho thị trường khi đóng cửa toàn bộ hệ thống, còn những người lãnh đạo biệt tăm, trốn nợ.

Món Huế đã thể hiện đầy đủ của một thương hiệu đạt được sự thành công sớm nhưng cũng nhanh chóng lụi tàn. Theo các chuyên gia, ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống đầy tiềm năng nhưng cũng hết sức khắc nghiệt, chỉ cần một chiến lược sai lầm sẽ dẫn đến đổ bể hệ thống kinh doanh.

Từ đỉnh cao đến phá sản

Hơn một thập niên hoạt động, chuỗi nhà hàng Món Huế gần như đã xác lập một vị thế trên thị trường với sự nhận diện thương hiệu mạnh dựa trên một hệ thống nhà hàng rộng khắp cả nước. Việc tạo ra một thương hiệu nhà hàng đầy bản sắc với món ăn thuần Việt, độc đáo là cách tạo dựng thành công trên thị trường và chuỗi Món Huế đã làm được điều này.

Cụ thể là thời gian đầu, chiến lược kinh doanh này đã đạt được sự thành công nhất định. Sau khi vượt qua được giai đoạn khắc nghiệt của lĩnh vực nhà hàng, Món Huế nhanh chóng mở rộng quy mô chuỗi. Chỉ trong hai năm 2014 và 2015, chuỗi nhà hàng này đã gọi vốn thành công với tổng giá trị 30 triệu USD từ các nhà đầu tư Malaysia, Hong Kong, Hàn Quốc và Mỹ.

Chưa kể trước đó chuỗi nhà hàng này được nhiều quỹ đầu tư khác nhau bơm tổng số vốn lên đến con số 65 triệu USD (khoảng 1.500 tỉ đồng). Chính vì vậy ông chủ của chuỗi nhà hàng Món Huế là doanh nhân Huy Nhật đã đặt mục tiêu sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng để nâng vốn lên đến 100 triệu USD.

Nhờ có nguồn lực cực lớn trong tay, Món Huế nhanh chóng tăng độ phủ trên thị trường lên đến con số 100, tọa lạc hầu hết ở các vị trí đắc địa, trung tâm thương mại.

 Cùng với đó là mở rộng ra hàng loạt thương hiệu khác như phở Ông Hùng, cơm Express, Great Bánh mì & cafe, cơm Thố Cháy, phở 99, Iki sushi, Shilla hay mì Quảng Bếp Tâm.

Sự đánh lớn của Món Huế tỏ ra khá hợp lý vì ngành dịch vụ ăn uống tại Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Một báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor cho thấy giai đoạn 2014-2019, thị trường ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18% mỗi năm.

Doanh nhân Huy Nhật, ông chủ của Món Huế là người có bằng thạc sĩ kinh tế tại Mỹ, không phải là tay mơ trong lĩnh vực ăn uống khi ông đã thành công ở Trung Quốc với chuỗi nhà hàng Huy Long Viên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những tham vọng của Món Huế hoàn toàn sụp đổ khi đồng loạt đóng toàn bộ các nhà hàng trên khắp cả nước và vị doanh nhân này đang bị các nhà cung cấp tố nợ tiền hàng chục tỉ đồng.

Món Huế đã nối tiếp sự thất bại của các thương hiệu Việt Nam trong ngành ẩm thực. Bởi trước đó nhiều thương hiệu đã đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô hoạt động. Gần đây nhất thị trường chứng kiến sự ra đi của trà sữa Ten Ren, một thương hiệu do The Coffee House quản lý. Cũng từng tham vọng mở rộng chuỗi cửa hàng và xâm chiếm được thị trường trà sữa đang nóng nhưng Ten Ren phải dừng chân trước nhiều đối thủ nặng ký. Ngoài ra, Công ty Phúc Long thu hẹp quy mô hoạt động, còn chuỗi Phở 24 phải “bán mình”.

Vì sao Món Huế ‘đốt’ gần 1.500 tỉ đồng vẫn sụp đổ? - ảnh 1
Ngày 23-10, một loạt nhà cung cấp thực phẩm cho Món Huế tiếp tục tố cáo đơn vị này có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh: THU HÀ

Phía sau ánh hào quang

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương nhận định điểm chung từ sự thất bại của Món Huế hay trà sữa Ten Ren là dù có mô hình kinh doanh đúng nhưng sức ép đến từ đối thủ cạnh tranh, chi phí mặt bằng và vận hành quá cao. Điều này khiến dòng tiền tạo ra không thể đủ bù đắp chi phí đầu tư.

“Thị hiếu khách hàng thay đổi rất nhanh, người kinh doanh nhà hàng phải tương tác nhanh với xu thế mới để thỏa mãn nhu cầu của khách, nghĩa là phải luôn tươi mới trong mắt khách hàng. Đáng tiếc là Món Huế không bắt kịp và thích nghi được với xu hướng tiêu dùng mới. Nói cách khác, sức hấp dẫn ẩm thực của Món Huế đã nhạt dần so với xu hướng mới nổi khác nên không thể cạnh tranh được với các đối thủ khác” – vị chuyên gia này nhìn nhận.

Cha đẻ Phở 24, ông Lý Quý Trung, cũng từng thừa nhận kinh doanh ngành ẩm thực rất khắc nghiệt, nhiều khi mất một thời gian dài mới biết địa điểm nhà hàng có thực sự kinh doanh hiệu quả hay không. Một đặc điểm “chết người” của ngành ẩm thực là tiền thuê mặt bằng liên tục gia tăng một cách chóng mặt. Và một khi kinh doanh không hiệu quả thì việc thu hồi vốn rất khó chứ đừng nói đến lợi nhuận.

Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, thị trường thực phẩm và dịch vụ ăn uống có ít rào cản gia nhập nhưng tốc độ đào thải nhanh nên vẫn là một thách thức với những doanh nghiệp muốn chinh phục. “Người Việt sẵn sàng trải nghiệm những dịch vụ ăn uống mới, tuy nhiên lại chóng chán. Do đó, để duy trì được sự thành công phải luôn linh hoạt trong phát triển sản phẩm và dịch vụ” – bà Vân nói.

Cưỡng chế thuế, phong tỏa tài khoản Món Huế

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế TP.HCM, cho biết: Chi cục Thuế quận 3 đã tiến hành cưỡng chế và thu hồi nợ thuế của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế (quản lý hệ thống nhà hàng Món Huế). Cụ thể, cơ quan thuế phong tỏa tài khoản công ty này và hóa đơn công ty này sẽ không còn giá trị. Trong trường hợp tài khoản công ty này không có tiền, cơ quan thuế sẽ có biện pháp thu hồi nợ thuế của bên thứ ba đang nợ Món Huế.

Cũng theo ông Minh, Chi cục Thuế quận 3 là đơn vị theo dõi nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp của Món Huế và thuế giá trị gia tăng (GTGT) của chuỗi nhà hàng Món Huế kinh doanh trên địa bàn quận. Còn nhà hàng Món Huế ở những quận, huyện khác sẽ do chi cục thuế các quận, huyện đó theo dõi và thu thuế GTGT.

Kết quả ban đầu cho thấy trên địa bàn quận 1, các cửa hàng của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế từng nợ 800 triệu đồng thuế GTGT trong quý II-2019. Chi cục Thuế quận 1 đã tiến hành cưỡng chế và thu hồi xong số nợ này.

Như đã đưa tin, những ngày qua các nhà cung cấp thực phẩm, văn phòng phẩm, thiết bị điện tử… đồng loạt tố cáo Món Huế không trả nợ và cắt liên lạc với nhà cung cấp.

QUANG HUY – THU HÀ

Theo PLO

Tags: , ,