Thông tin được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 sáng 30/12.
Tỉ lệ DN trả lời cần có chi phí “lót tay” (đối với thủ tục hành chính giản đơn) năm 2019 vẫn còn 54,8% dù đây là tỷ lệ thấp nhất trong 5 năm trở lại đây; chi phí “lót tay” cho các thủ tục hành chính phức tạp hơn (như thủ tục liên quan tới đất đai) giảm từ 32% năm 2018 xuống còn 30,8%…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Theo Phó Thủ tướng, giai đoạn 2016-2019, hầu hết các chỉ số môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta (theo đánh giá của quốc tế) liên tục cải thiện về điểm số (thể hiện chất lượng) và thứ hạng.
Cụ thể, năm 2019, năng lực cạnh tranh 4.0 cải thiện vượt trội với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc so với năm 2018 (hiện đứng thứ 67).
Chỉ số môi trường kinh doanh liên tục tăng điểm, thể hiện cải cách có hiệu quả và chất lượng được cải thiện. Năm 2017, môi trường kinh doanh được ghi nhận cải cách vượt trội. Năm 2018, chất lượng môi trường kinh doanh tăng 0,43 điểm, năm 2019 tăng 1,44 điểm.
“Tuy nhiên, 2 năm gần đây, mỗi năm giảm một bậc thứ hạng (hiện đứng thứ 70), chứng tỏ chúng ta có cải cách nhưng đi chậm hơn so với các quốc gia khác.” Phó Thủ tướng nói”
Cụ thể, Phó Thủ tướng cho biết, các chỉ số dù đã được nỗ lực cải thiện thứ bậc nhưng vẫn đứng dưới thứ hạng 100 là Khởi sự kinh doanh, Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 tăng 3 bậc (từ thứ 45 lên thứ 42), Việt Nam xếp đầu trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch (xếp hạng 2 năm một lần) liên tục tăng điểm và tăng hạng. Năm 2019, chỉ số này tăng 0,3 điểm và 12 bậc so với năm 2015 (thứ 75 lên thứ 63) với 11/14 trụ cột tăng bậc.
Chỉ số Hiệu quả logistics (xếp hạng 2 năm một lần) trong năm 2018 tăng mạnh (25 bậc), từ thứ hạng 64 lên thứ 39 với 6/6 chỉ tiêu cải thiện vượt trội. Đáng chú ý là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào theo dõi và truy xuất lô hàng giúp chỉ tiêu này tăng mạnh 41 bậc (từ thứ 75/160 lên thứ 34/160); cơ sở hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng công nghệ thông tin) tăng 23 bậc (từ thứ 70 lên thứ 47); hiệu quả thông quan tăng 23 bậc (từ thứ 64 lên thứ 41). Tuy vậy, chi phí cao vẫn là trở ngại lớn của ngành logistics ở nước ta.
Chỉ số Chính phủ điện tử (công bố 2 năm một lần), năm 2019, Việt Nam tăng 50 bậc, lên vị trí thứ 50 (từ vị trí 100 năm 2017).
Phó Thủ tướng cũng cho biết, dưới góc nhìn ở trong nước, theo kết quả điều tra 10.000 doanh nghiệp hàng năm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy: Cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả hơn; thân thiện hơn; thủ tục giấy tờ đơn giản hơn; phí, lệ phí công khai tốt hơn.
Theo đó, tỉ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức năm 2016 là 66% thì năm 2019 giảm còn 55%; Tỉ lệ doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức năm 2016 là 11% thì năm 2019 giảm còn 7%.
Tỉ lệ doanh nghiệp trả lời cần có chi phí “lót tay” (đối với thủ tục hành chính giản đơn) năm 2019 là 54,8%, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.
Tỉ lệ doanh nghiệp trả chi phí “lót tay” cho các thủ tục hành chính phức tạp hơn (như thủ tục liên quan tới đất đai) giảm từ 32% năm 2018 xuống còn 30,8% năm 2019.
Ngoài ra, cũng theo kết quả khảo sát của VCCI, doanh nghiệp cảm nhận việc thanh tra, kiểm tra giảm so với trước và ngày càng minh bạch hơn. Năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 2 lần trở lên trong năm là 39,8% thì sang đến năm 2019 giảm còn 18,9%.
Tuy vậy, theo Phó Thủ tướng cho biết, tỉ lệ doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký vẫn chưa giảm, điều này cho thấy đây vẫn là trở ngại đối với doanh nghiệp.
Theo Xuân Hưng
http://www.vnmedia.vn/dan-sinh/201912/tu-30-54-doanh-nghiep-cho-biet-van-phai-lot-tay-khi-lam-thu-tuc-hanh-chinh-5935846/