logo
banner top

Thực hư việc các công ty công nghệ nghe lén người dùng

Ngày đăng: 25/09/2019 17:42

Facebook, Google, Apple và Amazon đều đang thu thập các đoạn hội thoại từ người dùng. Dù mục đích có vẻ không nguy hiểm như nhiều người đã nghĩ nhưng do thiếu minh bạch nên họ khiến người dùng mất niềm tin.

Người dùng sợ các thiết bị thông minh nghe lén. Ảnh: Getty Images

Mới đây, Facebook cho biết công ty thu thập và lưu trữ âm thanh từ loa thông minh Portal khi người dùng kích hoạt thiết bị bằng câu nói “Hey Portal”. Các nhà thầu sau đó có thể chép lại một phần nhỏ đoạn hội thoại để giúp nâng cấp thuật toán của Portal nhằm giúp loa có thể phản ứng tốt hơn trong tương lai.

Facebook cho biết người dùng có thể lựa chọn tắt bản ghi âm thanh giọng nói. Dù vậy, họ vẫn lo ngại về khả năng bị thiết bị đang dùng nghe trộm và các công ty công nghệ có thể ghi lại những gì họ nói.

Có một số lý do hợp pháp cho phép các công ty công nghệ nghe nội dung hội thoại của người dùng thiết bị thông minh. Họ cho biết làm như vậy vì việc kiểm tra lại các bản ghi âm hội thoại có thể giúp cải thiện chất lượng sản phẩm. Nhân viên công ty công nghệ nghe các đoạn hội thoại này và ghi chép lại một số lỗi phổ biến, ví dụ như thiết bị Amazon Echo hay nhầm từ “elections” và “Alexa”. Từ các lỗi này, họ sẽ nâng cấp phần mềm một cách phù hợp.

Các mẫu hội thoại mà công ty công nghệ nghe thường được ẩn danh người nói và không có thông tin cá nhân. Tuy nhiên, điều này không giúp người dùng yên tâm hoàn toàn, vì nếu thực sự muốn biết ai đang nói, trong một số trường hợp, ta chỉ cần nghe những gì họ nói. Bà Bret Kinsella, sáng lập viên trang Voicebot.ai cho biết, những người xử lý hệ thống giọng nói sẽ tìm lỗi sai, đánh giá lỗi và đưa bản vá lỗi vào hệ thống để nâng cao chất lượng. Do đó, bạn không thể chạy hệ thống mà không có bản ghi âm các đoạn hội thoại.

Trong thực tế, các ứng dụng trợ lý thông minh như Siri của Apple, Alexa của Amazon hay Portal của Facebook lúc nào cũng lắng nghe từ kích hoạt để biết cách phản ứng tốt nhất. Các công ty sau đó kiểm tra kỹ lưỡng từ kích hoạt mà các thiết bị nghe thấy lần thứ hai để xem người dùng có thực sự muốn kích hoạt chức năng hỗ trợ hay không. Lý do là vì chức năng này đôi khi có thể bị vô tình kích hoạt. Thiết bị tưởng như người dùng đang nói từ kích hoạt nhưng thực ra, người dùng lại nói một từ tương tự. Những trường hợp như vậy cũng được rà soát để nâng cấp.

Các công ty công nghệ thường thuê nhà thầu để rà soát các đoạn hội thoại nên khiến người dùng thêm lo lắng về việc “bên thứ ba” nghe thấy họ nói gì ở nhà. Những nhà thầu này có thể không có lý do gì phải giữ bí mật các thông tin mà họ nghe thấy, vì họ không phải là người của công ty công nghệ. Do đó, bà Kinsella cho rằng cách tốt nhất để giảm lo ngại trên là để người của chính công ty công nghệ làm công việc rà soát các đoạn hội thoại.

Ngoài ra, người dùng luôn có nỗi sợ thường trực rằng điện thoại thông minh đang nghe lén mình cho dù không nói chuyện với chúng qua trợ lý ảo. Khoảng 43% người dùng điện thoại thông minh nghĩ rằng họ đang bị điện thoại ghi âm trái phép. Một phần lý do khiến người dùng tin như vậy là trong nhiều trường hợp, họ phát hiện ra rằng sau khi nói chuyện về một sản phẩm gì đó thì điện thoại của họ lập tức hiển thị các mẩu quảng cáo liên quan.

Nhiều người cũng chỉ ra các công ty công nghệ và công ty dữ liệu bên thứ ba cũng có hàng tá thông tin về người dùng. Điện thoại và ứng dụng đã thu thập và truyền phát thông tin về địa điểm người dùng, lịch sử mua bán và tìm kiếm trên mạng… Nghiên cứu mới của Đại học Northeastern và Đại học Hoàng gia London cho thấy một số tivi thông minh gửi dữ liệu cho các công ty như Netflix, Facebook và Google, thậm chí cả khi người dùng không sử dụng các thiết bị này.

Thông qua các thông tin này, các nhà quảng cáo có thể biết khá rõ bạn muốn gì và khi nào bạn cần thứ gì đó. Điều này có nghĩa là họ đang do thám hay không? Theo tờ Vox, có thể là không. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là các công ty biết khá nhiều về người dùng.

Một điều nữa khiến người dùng mất niềm tin là các công ty công nghệ không minh bạch khi nói về những gì họ đang làm và lý do tại sao. Mãi tới khi tờ Bloomberg phanh phui thông tin, Amazon mới nói rằng họ có hàng nghìn người nghe các đoạn hội thoại của người dùng để giúp cải thiện tính năng của ứng dụng trợ lý ảo Alexa.

Khách hàng ở Mỹ cho biết, họ mất niềm tin vào các công ty công nghệ hơn bao giờ hết vì các công ty tiếp tục phá vỡ niềm tin của họ bằng những thông tin mập mờ. Lẽ ra họ nên có thông báo ngắn gọn, rõ ràng thay vì cố giấu thông tin trong những điều khoản dịch vụ dài lê thê.

Theo Tin tứcdientu@hanoimoi.com.vn

Theo Hà Nội Mới

Tags: ,