logo
banner top

“Phượng khấu”: Cuộc trình diễn tệ hại về sử Việt, văn hóa Việt

Ngày đăng: 30/03/2020 8:19

Diễn viên có nghề nhưng không hợp vai, chốn cung đình quanh quẩn vài chuyện phi tần hơn thua chẳng rõ đầu đuôi… Càng xem “Phượng khấu”, càng thất vọng.

Ngay từ lúc bắt đầu thực hiện dự án, Phượng khấu đã được quảng bá khá rầm rộ. Trước ngày ra mắt, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nói rằng Phượng khấu sở hữu dàn diễn viên “đẳng cấp về diễn xuất” và đặt cho phim sứ mệnh “giới thiệu lịch sử dân tộc, giúp người trẻ quan tâm hơn đến Sử Việt”, mở đường cho dòng phim cung đấu… Nhưng khi phim công chiếu, giữa lời quảng bá và chất lượng thực tế là khoảng cách quá xa.

Đường dài chẳng biết ngựa có hay?

Sau 4 tập phát sóng, những hạn chế về kỹ xảo, âm nhạc, đạo cụ, diễn xuất của diễn viên ở Phượng khấu tiếp tục lộ diện. Với những gì đang được trình chiếu, người xem có cảm giác bị mắc bẫy bởi những cụm từ hoa mỹ được ê-kíp giới thiệu trước đó.

NSƯT Thành Lộc trong vai vua Thiệu Trị.

NSƯT Thành Lộc trong vai vua Thiệu Trị, lên ngôi năm 1841, lúc 34 tuổi. 

Khi nhận được cuộc gọi của người lạ nhưng không có trong danh bạ, điều đầu tiên hẳn bạn muốn làm là tra cứu số điện thoại vừa gọi đến là ai.

Người đăng: BizViet vào Chủ nhật, 24 tháng 12, 2023

Không thể phủ nhận, “đẳng cấp” của dàn diễn viên gạo cội với những tên tuổi nổi tiếng của sân khấu kịch: NSƯT Lê Thiện, NSND Hồng Vân, NSƯT Thành Lộc, Hồng Đào, NSƯT Minh Trang, NSƯT Tuyết Thu, NSƯT Ngọc Hiệp… là có thật. Tiếc rằng đạo diễn đặt để họ sai vị trí. Trên trường quay, đạo diễn cũng không đủ bản lĩnh và khả năng chuyên môn để điều chỉnh diễn xuất của các nghệ sĩ cho phù hợp với loại hình phim ảnh.

Đẳng cấp diễn xuất của diễn viên phải là khả năng thuyết phục khán giả tin vào nhân vật mình đang hóa thân. Nhưng ở Phượng khấu, các nhân vật không thể thuyết phục người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi sự chênh lệch quá xa về tuổi tác giữa nhân vật và nghệ sĩ. Thêm nữa, các vai diễn quan trọng trong phim không thể thoát khỏi lối diễn cường điệu từ cách thoại đến biểu cảm trong ánh mắt, nét mặt, ngôn ngữ hình thể… vốn chỉ hợp với sân khấu.

Ngay cả NSƯT Lê Thiện, trường hợp duy nhất được khán giả khen vì diễn ra chất “cung đấu” thì đến tập 4, người xem không còn bất ngờ với diễn xuất của bà. Đến cảnh quay của Nhân Tuyên Thái hoàng thái hậu (NSƯT Lê Thiện) là khán giả chỉ thấy cùng một cách biểu cảm liếc mắt, nhếch môi, kiểu cười khanh khách gian tà đã được thấy ở 3 tập trước đó.

Những biểu cảm của Phương Nhậm (NSND Hồng Vân), Tịnh Xuyên (NSƯT Ngọc Hiệp) như liếc xéo, liếc ngang, cười nửa miệng… cũng đậm phong cách kịch nói.

Mục tiêu thực hiện bộ phim cung đấu Việt Nam đầu tiên của ê-kíp sáng tạo đã đẩy các nghệ sĩ vào thế khó. Mải mê tập trung cho chất cung đấu nên những tình huống, câu thoại, biểu cảm… được biên kịch, đạo diễn cố tình cài cắm theo ý chí chủ quan, gần như bỏ qua xuất thân của nhân vật, môi trường sống, bối cảnh lịch sử… Vì lẽ đó, những bộ trang phục triều Nguyễn lộng lẫy trở nên quá rộng và không ăn nhập với các nhân vật hoàng tộc trong phim.

Vai Nhân Tuyên Hoàng Thái hậu do NSƯT Lê Thiện đảm vai.

Vai Nhân Tuyên Thái hoàng thái hậu do NSƯT Lê Thiện đảm vai.

Chuyện giành giật quyền lực chốn hoàng cung giữa Thái hoàng thái hậu và các phi tần na ná chuyện mẹ chồng nàng dâu, hay kiểu tranh giành vị thế giữa các bà vợ của một tay địa chủ ở nông thôn. Chỉ khác là các nhân vật ở Phượng khấu được khoác lên mình những bộ trang phục chốn hoàng cung thay cho trang phục đời thường.

Sau 4 tập, ngoài kỹ xảo hạn chế, non nớt phần đạo cụ trong phim cũng cẩu thả đến bất ngờ. Cảnh hoàng tử Hồng Thụ mới chào đời, con của thị cơ Võ Đoàn Viên (NSƯT Tuyết Thu) trong tập 3 khiến khán giả phải phì cười. Đứa trẻ sơ sinh được quấn trong “khăn rồng” cứng đờ, bé xíu giống hệt khúc gỗ. Rồi phần hồi ức của Võ Đoàn Viên ở tập 4, vẫn chỉ có tiếng khóc cười của trẻ thơ được lồng ghép, không có nổi một biểu cảm gương mặt của diễn viên nhí trên màn hình. Chi tiết tưởng rất nhỏ nhưng cho thấy sự thiếu chu đáo của ê-kíp thực hiện, đồng thời làm giảm hiệu quả về mặt hình ảnh trên phim, khiến người xem mất cảm xúc.

Cách kể lấy lệ câu chuyện hoàng cung bị thiêu trụi dẫn đến cái chết của hoàng tử Hồng Thụ cũng “ngộ nghĩnh” không kém. Những gì diễn ra trên phim như một trò đùa, bởi từng ấy con người chỉ biết la hét, tháo chạy. Cung nữ ẵm hoàng tử càng ngớ ngẩn hơn khi có cơ hội chạy ra ngoài nhưng lại chạy ngược vào trong rên siết để… “được” chết!

Bức phong thư xuất hiện khi Hiền Phi đòi được tấn phong

Bức thư xuất hiện khi Hiền Phi đòi được tấn phong với những dòng chữ quốc ngữ (?)

Nguyên cơ Hiệu Nguyệt cũng nhận được một bức thư trắng tinh tươm.

Nguyên cơ Hiệu Nguyệt cũng nhận được một bức thư trên giấy trắng tinh tươm.

Đáng trách hơn là chi tiết về những mật thư ở tập 4. 

Cả 2 mật thư của Hiền Phi, một được gửi đến các quan trong cung bày tỏ mong muốn họ ủng hộ tấn phong bà làm Hoàng Thái hậu (nhưng bị Thái hoàng thái hậu đánh tráo) và một mật thư gửi cho Nguyên cơ Hiệu Nguyệt, đều là những tờ giấy trắng đến khó tin.

Đã vậy, trên bức mật thư bị lộ của Hiền Phi, khán giả còn nhìn thấy những dòng chữ la-tinh quốc ngữ. Ở thời của vua Thiệu Trị (đăng cơ năm 1841) đã có công nghệ làm ra loại giấy dày dặn, trắng tinh và triều đình đã sử dụng chữ la-tinh chăng?

Khán giả chợt thấy mình bị xem thường quá mức!

Phượng khấu và chiếc áo quá rộng

Ban đầu, ê-kíp sản xuất Phượng khấu cho biết kinh phí làm phim gần 19 tỷ đồng, gồm 8 tập nhưng hiện tại lại nâng lên thành 11 tập. Mỗi tập 45 phút. Con số 19 tỷ đồng và chia sẻ “mong ước được làm gì đó với sử Việt, giúp người trẻ quan tâm đến sử Việt”, khiến khán giả háo hức. Các nghệ sĩ cũng từng chia sẻ, vì “yêu sử Việt” nên họ nhận lời tham gia Phượng khấu và muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé để giới thiệu sử Việt với công chúng.

Nhưng sau 4 tập, Phượng khấu giới thiệu được điều gì?

Một đế vương vừa đăng cơ không lo chuyện quốc thái dân an, chỉ quanh quẩn những chuyện nhỏ nhặt trong cung liên quan đến phi tần. Vị vua mới yếm thế đến mức vừa bị Hiền Phi và các quan đốc thúc chuyện tấn phong là đã hoảng hồn, sợ sệt. Một triều đình chỉ có những cuộc đấu đá, chia bè kết phái, đơm đặt, nói xấu nhau, nịnh hót để lấy lòng… giữa những người phụ nữ, từ Thái hoàng thái hậu đến cung nữ.

Tất nhiên, đấu đá tranh giành ngôi vị, sủng ái phi tần chốn cung cấm là chuyện muôn thuở, xảy ra ở hầu hết các triều đại. Nhưng nếu gọi là kể câu chuyện sử để người trẻ yêu và hiểu sử Việt thì liệu họ yêu gì, hiểu gì về lịch sử, về thời đại chuyển giao từ vua Minh Mạng sang vua Thiệu Trị và những đóng góp của ông cho đất nước khi chỉ có những cuộc tranh giành ngôi vị, quyền lực giữa những người phụ nữ được kể ở Phượng khấu?

Điều đang bị dư luận và những người yêu sử phản ứng mạnh nhất là cách xây dựng các nhân vật có thật trong lịch sử ở Phượng khấu.

Diễn viên Hồng Vân trong vai nguyên cơ Hiệu Nguyệt.

Diễn viên Hồng Đào trong vai Nguyên cơ Hiệu Nguyệt

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh từng nói Phượng khấu không phải phim tài liệu nên sẽ có một số đoạn do biên kịch nghĩ ra. Ở những chi tiết không được nêu rõ, sẽ phát triển thêm các tình tiết cũng như bổ sung một số nhân vật tuyến phụ để mạch phim mượt hơn. Tuy nhiên, anh khẳng định câu chuyện phim diễn biến đúng theo lịch sử, không xuyên tạc.

Vậy nhưng khi xem phim, những khán giả quan tâm đến yếu tố lịch sử hơn là chạy theo những chiêu trò cung đấu sẽ băn khoăn đặt câu hỏi: liệu trong chính sử triều Nguyễn (giai đoạn vua Minh Mạng và Thiệu Trị) các nguyên mẫu được đưa lên màn ảnh có phải là những người thủ đoạn, tàn ác, đầy mưu mô, nhỏ nhen, sẵn sàng đẩy người khác vào chỗ chết để đạt mục đích của mình? Hay vì là phim cung đấu, những người sáng tạo buộc phải bồi thêm cho các nhân vật tâm tính dữ dằn, độc địa?

Đơn cử nhân vật Nhân Tuyên Thái hoàng thái hậu. Trong ghi chép của một số tài liệu sử cho thấy, bà là người dạy cho vua Thiệu Trị nhiều điều về lễ giáo, cách đối nhân xử thế trước và sau khi đăng cơ. Nhân Tuyên được tuyển vào cung nhờ xuất thân danh giá. Từ vị trí Hoàng thái hậu lên Thái hoàng thái hậu, Nhân Tuyên luôn thể hiện được uy quyền, cốt cách hơn người.

Liệu với nhân thân, cốt cách đó, bà có trở thành người độc ác đến mức vì tham vọng thâu tóm quyền lực mà bất chấp thủ đoạn. Bà ra tay thủ tiêu những người thân cận của con dâu; đẩy Hiền Phi vào bước đường cùng và buộc con trai của Hiền Phi, cũng chính là cháu nội của bà bị đi đày ở nơi xa mà không được gặp mẹ lần cuối.

Chưa dừng ở đó, cùng với Trắc cơ Hồng Nhậm, bà còn là người gây ra cái chết của chắt nội –  hoàng tử Hồng Thụ. Mọi thứ trong chốn hậu cung rối ren khi Nhân Tuyên Thái hoàng thái hậu chia rẽ được tình cảm của Hiệu Nguyệt và vua Thiệu Trị; Đoàn Viên không còn con trai để được vua cưng chiều.

Là mẹ, là bà nội, bà cố, Nhân Tuyên Thái hoàng thái hậu có hạnh phúc không khi cuộc sống của con cháu mình bị đảo lộn, bất hòa và mất mát, đau thương? Xem Phượng khấu, khán giả hiểu thêm gì về sử Việt qua sự tàn độc, máu lạnh của nhân vật có vai trò quyền uy nhất nhì chốn cung đình Nhân Tuyên Thái hoàng thái hậu?!

Còn Hiền Phi, đệ nhất sủng phi của vua Minh Mạng, trong sử viết rằng vì được vua yêu thương, chiều chuộng nên bà có phần lấn lướt, sinh sự với một số bà khác trong cung. Được vẽ lại nhân dạng ở Phượng khấu, bà trở thành người đam mê quyền lực, lộng quyền, coi luật triều đình bằng vung. Vua Minh Mạng băng hà, triều chính được giao lại cho người kế vị, Hiền Phi vẫn không từ bỏ tham vọng lên ngôi hậu. Bà còn cả gan xông thẳng vào nơi vua Thiệu Trị đang ngự triều để buộc vua phải tấn phong cho mình.

Trong khi đó, Nguyên cơ Hiệu Nguyệt, nhân vật chính diện lại chỉ được điểm thoáng qua, tính cách mờ nhạt sau 4 tập, chưa xứng tầm với nội dung giới thiệu ban đầu.

Phượng khấu vẫn đang tập trung thể hiện những cuộc đấu đá, cố “gò” phim theo hướng cung đấu. Không biết những tập tiếp theo sẽ còn gì, nhưng đến đây, người xem không còn đủ kiên nhẫn.


“Một sự kiện, nhân vật lịch sử sẽ có nhiều góc nhìn, quan điểm khác nhau, nhưng mọi góc nhìn, quan điểm đều phải dựa trên những điều được sử sách ghi lại, không thể bịa đặt, hư cấu theo cảm tính. Khi viết kịch bản lịch sử, tác giả có quyền thêm chi tiết để các sự kiện đầy đặn hơn, kịch tính hơn, phù hợp với yêu cầu của tác phẩm nghệ thuật, nhưng không được phép làm sai lệch, thay đổi lịch sử.

Với kịch bản dã sử, nếu nêu đích danh nhân vật, triều đại, bối cảnh lịch sử cũng phải dựa trên những ghi chép trong tư liệu gia đình, gia phả dòng tộc; những tư liệu lưu truyền phổ biến trong dân gian… Không được phép tự ý thêm thắt, hư cấu làm sai lệch chính sử. Một hình thức dã sử khác là những tình huống, câu chuyện được hư cấu không có cơ sở, chứng cớ rõ ràng thì phải đổi tên nhân vật.

Làm tác phẩm lịch sử mà sai lệch lịch sử là có tội với lịch sử, có tội với tiền nhân”.

NSND Triệu Trung Kiên


Theo Minh Tú

https://www.phunuonline.com.vn/phuong-khau-cuoc-trinh-dien-te-hai-ve-su-viet-van-hoa-viet-a1406736.html

Theo Phụ Nữ Tp.HCM

Tags: , ,