Theo luật sư, hành vi quảng cáo không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hành hóa, dịch vụ cung cấp là một trong những hành vi bị cấm.
Ông Phạm Văn Thanh (46 tuổi, ở Đông Tân, TP Thanh Hóa, Tỉnh Thanh Hóa) hỏi: Hiện nay, trên nhiều mạng xã hội, tôi thấy nhiều người trẻ, đẹp có tiếng, thậm chí có cả nghệ sĩ quảng cáo những loại mỹ phẩm trắng da, thực phẩm chức năng,… có công dụng thần thánh, rất khó tin và không rõ nguồn gốc thế nào. Vậy, quý báo cho tôi hỏi, những người này lợi dụng sức ảnh hưởng của mình để thực hiện quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm như vậy có vi phạm pháp luật không? Có chế tài nào xử phạt những hành vi này?
Luật sư Nguyễn Công Tín. (Ảnh: LC).
Vấn đề ông hỏi, Luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng tư vấn trả lời như sau:
Theo điểm a khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, hành vi quảng cáo không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hành hóa, dịch vụ cung cấp là một trong những hành vi bị cấm:
“Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây:
a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp;
b) Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
c) Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.”
Tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012, hành vi Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố là hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo.
Như vậy, hành vi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ không đúng, sai sự thật là hành vi bị nghiêm cấm theo pháp luật Việt Nam. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
* Về xử phạt hành chính
Theo khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định, hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố có thể bị phạt từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.
* Về truy cứu trách nhiệm hình sự
Hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
“Điều 197. Tội quảng cáo gian dối
Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Xuân Hải