Gia đình nghệ nhân Fuyumi Iimura mất bộ cây hơn 10 triệu yen, không hy vọng lấy lại nhưng mong kẻ trộm tưới nước cho chúng.
Một chủ vườn tại tỉnh Saitama, gần Tokyo, mới đây bị trộm 7 cây bonsai, với tổng giá trị ít nhất 13 triệu yen (118.000 USD), theo CNN. Trong đó có một cây tùng Shimpaku 400 năm tuổi thuộc dòng quý hiếm, được mệnh danh là ngôi sao của giới bonsai và chuẩn bị đi thi cây cảnh ở Nhật Bản tháng này. Theo Fuyumi Iimura, vợ nghệ nhân bonsai mất trộm, cây này có giá hơn 10 triệu yen (90.000 USD).
“Chúng tôi chăm bẵm chỗ cây như con”, bà nói. “Không từ nào diễn tả được cảm giác của chúng tôi lúc này. Nó như thể bạn bị cắt đi chân tay”.
Cây tùng Shimpaku 400 tuổi bị trộm, trị giá tương đương 2 tỷ đồng. Ảnh: CNN.
Bà Iimura khẳng định tay trộm phải có nghề vì nhận ra ngay cây quý nhất trong khu vườn rộng 5.000 hecta và gồm 3.000 cây bonsai. Ba cây Shimpaku mất nữa ít giá trị hơn nhưng cũng đều hiếm trong tự nhiên.
Chồng bà, Seiji Iimura, là nghệ nhân bonsai đời thứ 5 của gia đình có truyền thống từ thời Edo (1603-1868). Bắt nguồn từ nghệ thuật tiểu cảnh cổ Trung Quốc (penjing), bonsai du nhập vào Nhật Bản thế kỷ thứ 6 nhờ một nhóm môn sinh thiền Phật giáo Nhật đi nước ngoài về. Bonsai có nghĩa đen là “cây trồng trong chậu”.
Tùng Shimpaku là giống bonsai phải chăm vất vả, chưa kể quá trình lấy cây gốc về nguy hiểm vì chúng mọc trên các vách núi cheo leo. Bà Iimura cho biết cây 400 tuổi bị trộm được đem từ núi về hàng thế kỷ trước. Với hiểu biết sâu về triết lý cây cảnh, họ mới có thể thu nhỏ dần nó qua thời gian. Lúc mất, cây cao 1 m và rộng khoảng 70 cm.
“Đó không phải việc có thể thực hiện trong một đêm”, bà Iimura nói.
Một cây bonsai gần 400 năm tuổi tại Vườn bách thảo của Bảo tàng Bonsai và Penjing Quốc gia ở Washington (Mỹ). Cây này từng sống sót qua thảm họa nguyên tử Hiroshima. Ảnh: Washington Post.
Theo bà Iimura, các cây bonsai mất trộm có thể được đem bán trên chợ đen và vận chuyển sang châu Âu. Một khi đã qua tay nhiều người, sẽ khó có cách chứng minh chúng là của mình.
Vợ chồng bà hy vọng ai đã trộm hãy chăm sóc chúng. “Tôi mong người trộm dù là ai sẽ đảm bảo chúng được tưới nước. Cây Shimpaku đã sống 400 năm. Nó cần sự chăm bón và không thể sống quá một tuần thiếu nước”, bà Iimura nói. “Chúng có thể sống mãi mãi, ngay cả khi chúng ta không còn, nếu được chăm đúng cách”.
Theo Thanh Tùng