Bà Trần Lệ Chi chia sẻ, gia đình bà đi lên từ nghèo khổ, nên không kén chọn con dâu, chỉ mong tìm được cô gái hiếu thảo, chăm sóc tốt cho Quốc Trường.
– Trong mắt bác, Quốc Trường ngày bé như thế nào?
– Trường là đứa con có hiếu từ khi còn nhỏ. Trước đây, tôi làm thủ quỹ còn ông xã giảng dạy tại khoa Nông nghiệp của Đại học Cần Thơ. Nhà tôi khi ấy rất nghèo, nợ 30 triệu đồng suốt nhiều năm không trả nổi. Sau này, khi Trường và anh trai nó lớn hơn, tiền học càng nhiều, đồng lương ít ỏi không kham nổi nên tôi bàn với ông xã ra ngoài kinh doanh.
Để mưu sinh, tôi bỏ nghề, mở tiệm tạp hóa trong một xóm chợ cũ. Trường thương mẹ lắm! Nó phụ tôi bán hàng. Trong căn nhà nhỏ ẩm thấp, nó đong từng lít nước mắm, mắm tôm, dầu hỏa cho khách. Tay nó lúc nào cũng lấm lem dầu mỡ. Nó cũng làm thêm nhiều việc như bán vé số, phụ hồ để đỡ đần gia đình.
Trường cũng là đứa có đầu óc kinh doanh. Ngày xưa có phong trào đổi 5 nút chai lấy một chai nước ngọt, Trường nói với tôi: ‘Mẹ ơi, để con tới trường, nói các bạn lượm nút chai về đổi nước ngọt cho mẹ nha’. Sau đó, nó vô trường, nói với các bạn 10 nút sẽ đổi được một chai nước ngọt. Tiền lời, nó bỏ ống heo để dành. Khi ống heo đầy, nó lại nhờ mẹ giữ. Đặc biệt, khi tôi bán tạp hóa, nó thấy cái gì nhiều, nó lại xin để tập bán. Có lần, tôi cho con cây nước đá. Nó đem bán lấy tiền rồi tiếp tục bỏ ống heo. Tiền kiếm được, Trường mua sách vở, đóng học. Nó ít khi xin tiền mẹ.
Là con trai nhưng Trường không nghịch ngợm. Nó lí lắc, hay giỡn. Trường lúc nào nói chuyện với tôi cũng ngọt ngào, tình cảm. Tôi cưng nó lắm!
– Quốc Trường thay đổi thế nào khi lớn lên?
– Tôi không biết con ở trên Sài Gòn thế nào nhưng về đến nhà, nó ngoan lắm. Tôi nhớ hồi bé, nó từng nói lớn lên sẽ cố gắng đi làm kiếm tiền, nuôi mẹ và không để mẹ cực khổ. Lớn lên, Trường làm y chang. Lần đầu lấy cát-xê khi đóng phim Hạnh phúc có thật, Trường phi xe từ Sài Gòn về Cần Thơ. Nó tíu ta tíu tít, đưa tiền cho mẹ. Nó đưa hết toàn bộ mà không giữ lại đồng nào.
Hiện tại, khi đã nổi tiếng, Trường vẫn giữ thói quen gửi tiền cho tôi. Bao nhiêu tiền từ các hợp đồng quảng cáo, vai diễn, nó gửi tôi hết. Khi nào Trường cần tiền, nó sẽ gọi điện thoại xin phép, hỏi ý kiến tôi. Dòng họ hai bên nội ngoại đều nói: ‘Không đứa nào ngoan như Trường’. Mỗi lần về quê, nó vẫn đòi ngủ chung giường với ba mẹ chứ không chịu ngủ riêng. Mãi đến khi tôi nói mình lớn tuổi nên hay ngủ ngáy, Trường mới về phòng riêng.
– Bác nói Trường có đầu óc kinh doanh, vậy khi anh quyết định trở thành diễn viên, bác đã nghĩ gì?
– Trường ngoan từ nhỏ, ít làm cha mẹ buồn. Cuộc sống khó khăn nên tôi và ông xã không có nhiều thời gian quan tâm đến con. Trường ngày bé đã nhận thức được hoàn cảnh gia đình nên cố gắng nhiều khi lớn lên. Với Trường, tôi luôn giữ tâm thế thoải mái, tôn trọng những việc con làm. Miễn sao con hạnh phúc là được.
Thời gian đầu, khi con lên Sài Gòn, tôi lo cho nó nhiều. Gia đình tôi không có người thân ở thành phố. Ngày nào, tôi cũng điện thoại để nói chuyện với con. Chuyện vui, Trường kể nhiều nhưng chuyện buồn, con luôn giữ kín. Những năm gần đây, khi cuộc sống bớt khó khăn, Trường mới kể tôi nghe những thứ con từng trải qua.
Lúc mới đi đóng phim, vì chưa diễn chuyên nghiệp nên Trường bị rầy la. Gia đình tôi nghèo, không có tiền nên Trường phải mướn nhà trọ lụp xụp, đi xe cà tàng. Sống lay lắt mãi, con mới có được ngày hôm nay. Mỗi khi nhớ lại những gì con từng trải qua, tôi thương và khóc nhiều.
Một năm nay, sau khi ra Bắc đóng phim, hình như Trường nổi tiếng hơn. Tôi sợ con còn trẻ nên ngủ quên chiến thắng. Tôi luôn nhắc con: ‘Mình giỏi, có người giỏi hơn! Mình khôn, có người khôn hơn! Lúc nào con cũng phải nghĩ như vậy con nha’. Tôi dạy con lúc nào cũng phải sống giản dị, khiêm tốn bởi ra xã hội, nhiều người thương sẽ tốt hơn nhiều người ghét. Mỗi khi tôi nhắc nhở, dặn dò, Trường luôn nói: ‘Con thuộc lòng rồi mẹ ơi!”. Có lẽ vì nghe lời tôi thật nên Trường luôn đối đãi, cư xử tốt với bạn bè, làng xóm.
– Nổi tiếng hơn, con trai dành thời gian cho bác ra sao?
– Trước đây, Trường về nhà thường xuyên. Hiện tại, công việc nhiều nên con ít về. Nhớ con quá, tôi và ông xã lại lên thăm. Nhưng thăm con được 2-3 ngày, Sài Gòn kẹt xe, ồn ào tôi không chịu nổi nên lại về Cần Thơ. Ngày nào Trường cũng gọi điện thoại, nói chuyện video với mẹ. Khi gọi điện không được, hai mẹ con lại nhắn tin cho nhau. Trường giống tôi từ bề ngoài đến tính cách. Nó thương cha mẹ và anh em, lo lắng nhiều cho họ hàng. Gần gũi mẹ nhưng tính Trường không ủy mị, yếu đuối.
Trường thân thiết với mẹ nhưng cũng rất thương cha. Không bao giờ nhõng nhẽo với cha nhưng mỗi lần về thăm, Trường lại dặn dò mẹ nhớ chăm lo sức khỏe cho cha. Gia đình tôi trước đây không có điều kiện nhưng rất hạnh phúc. Hiện tại, cuộc sống đủ đầy, vui vẻ hơn. Anh em trong nhà thuận hòa, lo lắng cho nhau.
– Điều bác mong muốn nhất ở con trai hiện tại?
– Tôi đang rất mong con trai kết hôn. Anh nó 26 tuổi đã lấy vợ. Trường năm nay cũng 32 tuổi, không còn trẻ nữa. Tôi mong con sẽ lấy được vợ hiền, ngoan, hiếu thảo, đạo đức. Chuyện giàu nghèo không quá quan trọng bởi tôi và ông xã cũng từ nghèo đi lên. Phải yêu thương nhau mới có thể sống hạnh phúc.
Khi tôi bày tỏ mong muốn, Trường nói chưa gặp được ai. Gặp được người phù hợp, nó cưới liền. Trường mà lấy vợ luôn thì tôi an tâm lắm! Nó ở Sài Gòn một mình, có vợ sẽ có người quán xuyến, chăm sóc và lo lắng cho nó. Tôi cũng khỏe ra.
Theo Thiên Anh
https://ione.vnexpress.net/tin-tuc/sao/viet-nam/me-quoc-truong-toi-dang-rat-mong-con-trai-ket-hon-4014127.html