Doanh nghiệp thu phí BOT khai bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, Tổng cục Đường bộ chỉ giám sát thông qua báo cáo và thỉnh thoảng kiểm tra đột xuất.
Vấn đề gian lận doanh thu trạm thu phí đã được dự luận đặt ra từ rất lâu nhưng đến nay việc giám sát chỉ mang tính định kỳ vài năm một lần.
Vụ cướp 2,2 tỷ đồng tại trạm thu phí cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây nhiều ý kiến đã đưa ra tính toán số tiền bình quân có thể phải cao hơn con số 3,4 tỷ đồng/ngày mà VECE công bố. Dù chủ đầu tư là Tổng công ty Phát triển đường cao tốc VN (VEC) khẳng định công tác thu phí được Tổng cục Đường bộ VN giám sát và có hậu kiểm theo đúng quy định.
Tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương việc sử dụng phần mềm gian lận tại trạm thu phí diễn ra từ năm 2015 nhưng phải năm 2018 cơ quan điều tra mới phát hiện và xử lý.
Đơn vị thu phí là công ty Yên Khánh đã thực hiện hành vi gian lận thông qua cài đặt phần mềm vào hệ thống để có thể xoá dữ liệu thu phí trong khi phương tiện đi qua vẫn thu phí bình thường.
Trước đó, nhà đầu tư Cienco 1 liên doanh với công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ vì không tin tưởng mức thu cổ đông tuyên bố nên đã lắp camera trên tuyến cao tốc Pháp Vân đếm xe để chứng minh mức doanh thu.
Vụ việc sau đó được Tổng cục Đường bộ vào cuộc thông qua giám sát trong 10 ngày. Kết quả cho thấy, mỗi ngày trạm BOT cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ thu được hơn 1,9 tỉ đồng nhưng trong báo cáo gửi Tổng cục, các cổ đông chỉ khai ở mức 1,2-1,4 tỉ đồng/ngày.
Cơ quan quản lý nhà nước khó khăn trong việc giám sát nguồn thu phí BOT
Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ KHCN và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) thừa nhận việc giám sát doanh thu phí từ trước tới nay đều dựa trên báo cáo của nhà đầu tư, Tổng cục Đường bộ chỉ giám sát theo hình thức định kỳ, kiểm tra đột xuất xem báo cáo có đúng không.Giám sát dựa trên báo cáo của DN
“Có gian lận doanh thu hay không phía công an có nhiều nghiệp vụ công nghệ thông tin mới phát hiện ra được.
Ngay vụ việc gian lận thu phí ở cao tốc TP.HCM – Trung Lương, các cuộc giám sát Tổng cục Đường bộ đều phải mời cả phía bên công an vào cùng mới phát hiện ra gian lận”, ông Toàn nói.
Để giám sát chặt chẽ hơn, Tổng cục Đường bộ đang thực hiện dự án xây dựng quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí đường bộ, giám sát cả thu phí một dừng và thu phí không dừng.
Toàn bộ dữ liệu ở các trạm thu phí sẽ được truyền thẳng về Tổng cục Đường bộ, sử dụng một số công cụ để nhận biết các giao dịch bất thường, sau đó sẽ kiểm tra, trong quá trình giám sát sẽ kiểm tra ngẫu nhiên.
Phần mềm này sẽ được thí điểm trong tháng 2/2019.
Theo Vũ Điệp