logo
banner top

Cần Thơ: Đề nghị công nhận 2 hiện vật là bảo vật quốc gia

Ngày đăng: 26/06/2019 17:02

Hai hiện vật được đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia gồm Linga – Yoni và Cà ràng. 

Ngày 21-6, UBND TP Cần Thơ có tờ trình gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công nhận bảo vật quốc gia.

Cần Thơ: Đề nghị công nhận 2 hiện vật là bảo vật quốc gia - ảnh 1

Hiện vật Linga-Yoni. Ảnh: Bảo tàng TP Cần Thơ cung cấp.

Theo đó, UBND TP Cần Thơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia cho hai hiện vật gồm Linga – Yoni và Cà ràng thuộc quyền quản lý của Bảo tàng TP Cần Thơ.

Theo tờ trình, hiện vật Linga – Yoni được phát hiện tại hố thám sát 12NT.TS7, mở ngày 19-2-2012 tại di tích khảo cổ học Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Hiện vật là tiêu bản duy nhất hiện nay được tìm thấy trong văn hóa Óc Eo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Nam Bộ và của cả khu vực Đông Nam Á nói chung. Niên đại C14 của hiện vật được xác định là ở thế kỷ V.

Hiện vật là một di vật tiêu biểu, cực kỳ quý hiếm, phản ánh được diện mạo đời sống văn hóa xã hội, đặc biệt là trong tôn giáo, tín ngưỡng phồn thực của cư dân Óc Eo trong lịch sử. Hơn nữa, hiện vật còn là một cứ liệu quan trọng minh chứng cho một giai đoạn phát triển, giao lưu và tiếp biến văn hóa của cư dân cổ ở vùng đất Nam Bộ nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung.

Linga – Yoni được chế tác từ một khối gỗ, thể hiện rõ hai phần thân và vòi. Phần thân dạng khối hình chữ nhật (kích thước 86 cm x 38 cm x 16 cm), thành chạm nổi gờ vuông, lòng có khối linga nổi cách biệt bởi hai rãnh sâu. Phần vòi dáng vuông, dài (kích thước 51 cm x 14 cm x 14 cm), hơi nhỏ về đầu vòi. Đầu vòi xiên vát, rãnh dẫn nước thiêng ở giữa nối thông với hai rãnh ở lòng trong thân.

Hiện vật Cà ràng. Ảnh: Bảo tàng TP Cần Thơ cung cấp.

Hiện vật Cà ràng (cái bếp) được phát hiện trong tầng văn hóa ổn định thông qua một cuộc khai quật khảo cổ học năm 2001, niên đại thế kỷ IV-VII. Hiện vật là tiêu bản đầu tiên thể hiện rõ nét hình dáng của loại hình cà ràng trong văn hóa Óc Eo.

Hiện vật có giá trị đặc biệt, mang dấu ấn rõ nét của truyền thống gắn với quá trình hình thành và phát triển cư dân bản địa. Đây được xem là một phát kiến tiêu biểu, đại diện cho khả năng sáng tạo, thích nghi với môi trường sống của cư dân vùng sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Nam Bộ nói chung trong lịch sử.

Cà ràng được tạo tác trên chất liệu gốm thô, gồm đất sét trộn nhiều cát và vỏ trấu, có cấu trúc gồm ba phần, được ghép nối thành một thể thống nhất, từ dưới lên. Chân đế tròn, thấp, dáng loe choãi (đường kính 14,1 cm; cao 1,7 cm). Đáy bầu tròn, lòng sâu. Phần chân kê gồm có ba chân bố trí cách đều nhau, được vuốt cong tròn hướng đồng tâm từ thành miệng vào trong.

Theo NHẪN NAM
Theo PLO

Tags: , ,