logo
banner top

BTC khẳng định không sai khi trao danh hiệu Nữ hoàng văn hóa tâm linh

Ngày đăng: 12/07/2019 6:19

Chiều 10/7, BTC chương trình Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019 đã có buổi gặp gỡ giới hạn với một số tờ báo để giải trình những vấn đề được báo chí quan tâm thời gian qua như: Danh xưng Nữ hoàng văn hóa tâm linh; tiêu chí, thủ tục pháp lý khi xét tặng danh hiệu Nữ hoàng của chương trình.

Phóng viên Báo Gia đình & Xã hội đã nêu 5 vấn đề đề nghị bà Nguyễn Thụy Oanh – Trưởng BTC chương trình Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam trả lời. Bà Oanh cũng đồng thời giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội và là Á hoàng của chương trình Nữ hoàng doanh nhân Việt Nam 2017.

 Bà Nguyễn Thụy Oanh - Trưởng BTC chương trình Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam. Ảnh: PV

Bà Nguyễn Thụy Oanh – Trưởng BTC chương trình Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam. Ảnh: PV

Phạm Nữ Hiền Ngân có nhiều hoạt động tích cực

Xuất phát từ cơ sở nào mà BTC lại trao danh hiệu Nữ hoàng văn hóa tâm linh cho bà Phạm Nữ Hiền Ngân?

– Điều đầu tiên để được xét duyệt phải là hội viên của Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam. Bà Phạm Nữ Hiền Ngân là hội viên của Hội và bản thân cũng là một cô đồng trong lĩnh vực văn hóa tín ngưỡng. Trong lĩnh vực của mình, hội viên này đã có nhiều đóng góp. Sau khi nhận danh hiệu này, Hội vẫn đôn đốc, giám sát để xem hội viên này có những hoạt động gì. Chúng tôi thấy Hiền Ngân hoạt động khá tích cực và đưa được hình ảnh của diễn xướng hầu đồng ra cộng đồng trong nước và quốc tế. Nhưng chúng tôi không hiểu tại sao chỉ thời gian gần đây, Phạm Nữ Hiền Ngân lại bị lùm xùm liên quan đến danh hiệu này. Chúng tôi xin nhấn mạnh là “chỉ có những ngày gần đây”. Còn những hoạt động của Hiền Ngân, chúng tôi đều thấy đó là những hoạt động tốt.

Liên quan đến danh hiệu Nữ hoàng văn hóa tâm linh của bà Phạm Nữ Hiền Ngân, xin được hỏi, cùng với bà Ngân thì có bao nhiêu người cùng làm hồ sơ xin xét duyệt? Trong trường hợp nếu chỉ có một người tham gia, BTC có trao không?

– Năm 2018 là năm đầu tiên tổ chức nhưng có nhiều hội viên tham gia xin xét danh hiệu. Con số cỡ khoảng 700 đơn đăng ký cho tất cả ngành nghề. Tôi không nhớ rõ lĩnh vực Văn hóa tâm linh có bao nhiêu người đăng ký nhưng không phải là một người. Cái này chúng tôi sẽ kiểm tra lại số liệu của năm 2018.

Năm 2017 ca sĩ Ngọc Sơn được Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam tặng Bằng khen “Giáo sư âm nhạc”. Sau khi xảy ra phản ứng của dư luận, ông Lê Ngọc Dũng – Chủ tịch Hội nói rằng vì Hội căn cứ vào hồ sơ khai của Ngọc Sơn. Vậy sau trường hợp này, BTC có kiểm tra lại thông tin hội viên khai trong hồ sơ trình lên hay không?

– Quy trình thực hiện của chương trình Tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam như sau: Nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ, xét duyệt và lập Hội đồng bình xét. Hội có hệ thống các CTV trên toàn quốc đến gặp gỡ và thăm cơ sở vật chất của người đó và có báo cáo về Hội. Sau đó, Hội đồng thẩm định sẽ được thành lập để xem những ai đủ tiêu chí để xét tặng Nữ hoàng thương hiệu.

Theo chúng tôi được biết, một chương trình vinh danh thường trao bằng khen chứ không có vương miện. Nhưng trong cuộc họp báo trước đó của Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam, với tư cách là Trưởng BTC, bà đã công bố sẽ trao vương miện cho nữ hoàng với giá trị 1,8 tỷ đồng…

– Đây là sự khác biệt của chương trình Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam. Vương miện là dành để trao cho một người duy nhất. Ví dụ năm nay có 10 nữ hoàng của 10 ngành nghề thì chỉ chọn ra một người để trao vương miện thôi.

Cũng xin chia sẻ từ cảm xúc cá nhân của chính tôi. Năm 2017, tôi là người nhận được danh hiệu Á hoàng của chương trình Nữ hoàng doanh nhân Việt Nam. Từ sự vinh danh này, tôi có nhiều lợi thế hơn trong công việc. Doanh nhân là một ngành nghề. Tại sao những người tạo ra giá trị lớn cho ngành nghề đó lại không được tôn vinh? Bản thân tôi đã có danh hiệu nên tôi hiểu, ngoài sự tự hào với người nhận, nó còn có sức mạnh quảng bá cho ngành nghề đó.

Như danh hiệu Nữ hoàng thực phẩm chẳng hạn. Khi nói đến doanh nhân Nga Lê, ai cũng biết đó là một người uy tín, quyền lực trong ngành sản xuất mật ong ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Nhưng khi vinh danh thì thương hiệu của chị được nhiều người biết đến, mang hiệu quả truyền thông lớn cho thương hiệu, không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Chính vì thế, tôi mong muốn trao danh hiệu cho càng nhiều người càng tốt. Bởi vì khi được vinh danh, họ sẽ sống có trách nhiệm hơn, tự tin và tự hào để cống hiến hơn. Đâu chỉ đẹp mới được trao? Cái họ tạo ra giá trị đáng trao hơn nhiều.

Có 40 hội viên được xét danh hiệu và mới đóng mỗi người 10 triệu đồng

Chính vì những giá trị quảng bá thương hiệu và nhân hiệu như chị vừa nói mà lâu nay, không ít các chương trình vinh danh rơi vào những lùm xùm mua giải. Với Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam, có trường hợp nào tương tự như vậy không?

Vậy các khoản phí hay đóng góp ở bất kỳ hình thức nào khi tham gia vinh danh thì sao?

– Đây là chương trình xã hội hóa nên khi tổ chức, chúng tôi cũng kêu gọi kinh phí từ nhiều nguồn. Trong đó, đầu tiên là kinh phí của đơn vị tổ chức là Công ty Cổ phần XNK Ngọc Minh, các đơn vị tài trợ và huy động xã hội hóa từ hội viên tham gia. Số tiền huy động từ các hội viên này là 10 triệu đồng/người, là khoản chi phí trong việc BTC, Hội đồng tham gia xét duyệt và thẩm định hồ sơ. Năm ngoái là năm đầu tiên tổ chức nên chúng tôi không huy động khoản chi phí này. Còn năm nay, với số lượng hội viên đăng ký tham gia hơn 1.000 người nhưng số hồ sơ được BTC xét duyệt hơn 200 đơn. Cuối cùng, 40 hồ sơ được lựa chọn vinh danh năm 2019. Như vậy, chỉ có 40 người này mới phải đóng chi phí 10 triệu đồng/người.

Cảm ơn bà Nguyễn Thụy Oanh!

PV Báo Gia đình & Xã hội đặt câu hỏi: “Với riêng ngành nghề mà bà Phạm Nữ Hiền Ngân được bình chọn vinh danh là Nữ hoàng văn hóa tâm linh thì Hội đồng xét tặng là những ai, có nhà khoa học liên quan đến tín ngưỡng hầu đồng hay không?”. Bà Nguyễn Thụy Oanh cho biết chung chung rằng, năm 2018, Hội có mục tiêu là thành lập Viện Đạo mẫu Việt Nam nên có nhiều hội viên làm trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Ngọc Mai – Trưởng phòng Nghiên cứu tín ngưỡng (Viện Nghiên cứu tôn giáo), thông thường, nếu một thanh đồng đủ tiêu chuẩn được phong tặng danh hiệu thì phải tham gia xét duyệt hồ sơ bởi một tổ chức có thẩm quyền. Tổ chức này phải bao gồm các thành viên là các nhà khoa học có uy tín hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực thờ Mẫu và thực hành nghi lễ Lên đồng. Các nghệ nhân dân gian là những người am hiểu về tín ngưỡng thờ mẫu và hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này. Ngoài ra, người được tặng danh hiệu (dù là danh hiệu gì) thì cũng phải là người hoạt động lâu dài trong lĩnh vực đó, có nhiều đóng góp cho lĩnh vực mà họ hoạt động, có công lao lớn trong gìn giữ, bảo tồn và phát triển loại hình tôn giáo hay nghệ thuật đó, đặc biệt là có phẩm hạnh, uy tín tốt với nghề, bạn nghề…

Theo T.Hà – N.Mai (thực hiện)

 
Theo Gia Đình & Xã Hội

Tags: ,