logo
banner top

Bia và rượu, cái nào hại sức khỏe hơn?

Ngày đăng: 08/01/2019 9:26

Nhiều người quan niệm uống bia ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu.

Rượu bia là thức uống thường thấy trong những buổi tiệc gia đình Việt Nam, được coi là hương vị tạo thêm sự gắn kết tình cảm yêu thương của con người với nhau.

Về quan niệm nhiều người cho rằng uống bia ít gây hại cho sức khỏe như uống rượu. BS CK1 Phạm Minh Thiện, Trưởng khoa Nội tổng hợp, (bệnh viện) BV quận 11 (TP.HCM) khẳng định quan niệm này không đúng vì tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra.

Theo BS Thiện, tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống, tần suất sử dụng.

 Uống rượu bia thường xuyên sẽ làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng. Ảnh: Internet

Uống rượu bia thường xuyên sẽ làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng. Ảnh: Internet

Một vấn đề đáng quan tâm khác đó là rượu, bia gây lệ thuộc làm cho người uống không kiểm soát được hành vi uống của bản thân. Cồn là một chất hướng thần gây nghiện, nếu uống thường xuyên sẽ làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng.

Bên cạnh đó, rượu bia còn gây ảnh hưởng tới việc điều khiển phương tiện giao thông. Người có nồng độ cồn trong máu và hơi thở cao làm ức chế thần kinh dễ gây buồn ngủ, hôn mê, ảo giác.

Nguy hiểm hơn nó làm giảm khả năng nhận biết, phán đoán các tình huống nguy hiểm; giảm kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông, tâm lý coi thường sự nguy hiểm và làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông .

Người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia nếu không may để xảy ra tai nạn giao thông còn gây khó khăn cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp y tế do mất máu nhiều, nồng độ cồn trong máu cao làm giảm tác dụng của thuốc chữa bệnh dẫn đến tỉ lệ tử vong cao.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, rượu bia sẽ ảnh hưởng và gây nguy hiểm cho người sử dụng khi tham gia giao thông tùy vào mức độ.

Chỉ với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/l khí thở, người sử dụng rượu bia đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ. Nếu nồng độ 0,2mg/l khí thở, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dễ bị ức chế, giận dữ, đi lại loạng choạng.

Nếu ở các mức độ cao hơn, người uống có thể không tự chủ được hành vi cá nhân, có thể tự gây tai nạn cho bản thân hoặc gây thương tích cho những người tham gia giao thông khác.

Hậu quả của tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia gây ra thường rất nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn liên quan rượu bia và con số này đang có xu hướng gia tăng.

Theo Báo Pháp luật TPHCM

Tags: , ,