logo
banner top

Bi hài nghệ sĩ “chạy”… gameshow!

Ngày đăng: 20/12/2022 9:26

Khoảng chục năm trở lại đây, chuyện văn nghệ sĩ “chạy” gameshow (trò chơi truyền hình) vốn không lạ, nhất là khu vực phía Nam. Tuy nhiên, giữa nghệ sĩ chuyên lĩnh vực biểu diễn (ca sĩ, nhạc sĩ…) với những người công việc thầm lặng hơn (nhà văn, họa sĩ…) thường có sự khác biệt nhất định. Phía sau màn ảnh, nhiều chuyện bi hài và cũng không kém phần “nguy hiểm” khiến chính các văn nghệ sĩ cũng phải dè chừng.

Người hào hứng, kẻ thờ ơ…

Theo quan sát của nhiều nghệ sĩ phía Bắc, gương mặt “đắt sô” bậc nhất phải kể tới NSƯT Xuân Bắc. Ngoài đóng phim, quảng cáo… anh còn được nhiều gameshow mời với vai trò dẫn chương trình. Tôi có dịp tương tác cùng anh ở gameshow “Vua tiếng Việt” phát sóng trên kênh VTV3 vào tối thứ 6 hằng tuần. Nếu mỗi nhà văn, nhà báo trong Ban cố vấn chúng tôi mỗi đợt ghi hình chỉ “ngồi” khoảng vài ba số thì NSƯT Xuân Bắc đương nhiên cường độ gấp năm gấp mười. Sáng sớm anh đã có mặt ở nhà đài, quay hết số này tới số khác, lắm khi tận mờ sáng hôm sau mới về.

Bi hài nghệ sĩ “chạy”… gameshow! -0

NSƯT Xuân Bắc trong vai trò dẫn chương trình “Vua tiếng Việt”.

Có lần, ghi hình xong, đã rất khuya, ai nấy đều than vãn việc mất ngủ, Xuân Bắc buột miệng: “Thế còn sướng chán, “nhà cháu” giờ phải lên đường chuẩn bị chạy sô tiếp…”. Thấy mọi người có vẻ hồ nghi, anh dẫn tất cả ra chiêm ngưỡng chiếc ôtô “có một không hai”. Mở cửa xe, các bộ vest vẫn được treo lên, mì tôm, lương khô xếp ngay ngắn một góc, các loại nước uống, phụ kiện, giầy, mũ… đầy đủ như căn nhà di động. Hỏi ra, anh đã nhận lời chạy show tỉnh xa và sẽ tự lái xe trong đêm, sáng mai mới kịp.

Cường độ làm việc liên tục, nhưng hiếm ai gặp anh trong trạng thái mỏi mệt, chán chường. Giữa các ca, Xuân Bắc thường tranh thủ chợp mắt dù chỉ dăm ba phút hoặc… ăn để nạp năng lượng. Các suất cơm hộp, bánh mì… nhà đài chuẩn bị sẵn luôn “đắt hàng”. Điều đặc biệt là, dù đang ngủ hay ăn, dường như cơ thể anh vẫn bật trạng thái sẵn sàng, chỉ cần một tiếng gọi sẽ ngay lập tức có mặt. Trực tiếp làm việc với anh, chúng tôi hiểu vì sao NSƯT Xuân Bắc “đắt sô” và luôn được đánh giá cao bởi tính hòa đồng, chuyên nghiệp. 

Khi nhận được cuộc gọi của người lạ nhưng không có trong danh bạ, điều đầu tiên hẳn bạn muốn làm là tra cứu số điện thoại vừa gọi đến là ai.

Người đăng: BizViet vào Chủ nhật, 24 tháng 12, 2023

Thực ra, với nghệ sĩ lĩnh vực biểu diễn như Xuân Bắc, khi tham gia gameshow sẽ có nhiều lợi thế về hình ảnh, phản xạ, ngôn ngữ biểu cảm… nhưng thật hiếm hoi nếu ta gặp nhà văn, nhà thơ “chạy sô”. Ở phía Nam, gương mặt “được lòng” khán giả nhất đó là nhà thơ Nguyễn Phong Việt sinh năm 1980, tác giả của nhiều cuốn sách “best seller”, như: “Đi qua thương nhớ”, “Từ yêu đến thương”, “Sinh ra để cô đơn”, “Chúng ta sống có vui không”… Lý giải sự “đắt sô” và sức hút của Nguyễn Phong Việt, giới chuyên môn cho rằng, bản thân anh đã có trên 15 năm làm báo, đặc biệt là trong mảng showbiz nên sự thích ứng là điều dễ lý giải. Dù vậy, lĩnh vực Nguyễn Phong Việt tham gia là talkshow chứ chưa bao giờ là gameshow, bởi anh luôn đặt sự cẩn trọng lên hàng đầu.

Anh chia sẻ: “Càng là văn nghệ sĩ, càng nên hiểu sức mạnh của ngôn từ đến mức nào. Đôi khi, một câu nói lên sóng, có thể hủy hoại sự nghiệp của một con người. Ông bà ta có câu “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”,      gameshow chắc phải “uốn” gấp nhiều lần như vậy. Lỗi lớn nhất từ các scandal mà văn nghệ sĩ gây ra, hầu hết đều bởi sự tự tin thái quá”.

Có lẽ, ý thức được điều này, nên nhiều gương mặt nổi tiếng khá thờ ơ với gameshow. Điển hình là ca sĩ Hà Anh Tuấn. Có ê-kíp hỗ trợ xây dựng hình ảnh, có chiến lược âm nhạc chuyên nghiệp, có sự đồng hành của nhiều đồng nghiệp tài năng, nhưng anh không xuất hiện trong các gameshow. Ngoài những liveshow, dự án âm nhạc, Hà Anh Tuấn tham gia trồng rừng và miệt mài với dự án này từ năm 2019.

Bi hài nghệ sĩ “chạy”… gameshow! -0

Diễn viên Hoàng Hải (ngồi) trong chung kết Gameshow “Cặp đôi hài hước”.

Phía Bắc, ca sĩ Tùng Dương cũng là gương mặt nói không với  gameshow. Ngoài ra, có những nghệ sĩ thỉnh thoảng vẫn nhận lời, song khá “kén chọn”. NSƯT Thanh Lam từng từ chối tham gia làm huấn luyện viên chương trình “The Voice” và nhiều gameshow khác. Chị thẳng thắn chia sẻ: “Trước khi nhận lời, tôi phải suy nghĩ rất kỹ. Bởi chưa chắc mình có tài là đã phù hợp. Quan trọng hơn là tiêu chí của đơn vị sản xuất. Người chơi cờ ở đây chính là nhà sản xuất, còn mình chỉ đơn giản là một quân cờ”.

NSƯT Thành Lộc sau khi làm giám khảo ở “Vietnams Got Talent” cũng rút khỏi các gameshow giải trí. Diễn viên-MC Ốc Thanh Vân sau khi tham gia “Nhanh như chớp” bị khán giả chê “kém duyên” đã đặt câu hỏi về chiêu bài PR của nhà sản xuất khi liên tục tìm cách “dìm hàng” nghệ sĩ để “câu rating” đồng thời tuyên bố sẽ không tham gia gameshow để bị sử dụng hình ảnh theo cách không mong muốn.

Chưa bao giờ là chuyện dễ dàng!

Khá nhiều người tò mò, gameshow “nguy hiểm” là vậy, sao vẫn hấp dẫn nhiều văn nghệ sĩ. Phải chăng, khi tham gia, họ sẽ có quyền lợi, quyền lực gì ở đây? Đầu tiên, phải kể tới lợi ích về hình ảnh. Hầu hết gameshow đều phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia, vào khung giờ vàng nên thu hút đông đảo khán giả. Như vậy, đồng nghĩa với việc nếu văn nghệ sĩ tham gia, dù chỉ xuất hiện trên sóng một “tích tắc” vẫn được nhiều người biết tới, một cách định danh hình ảnh nhanh nhất. Chưa kể, với các gameshow mang tính thi đấu thì vai trò của họ khi ngồi ghế cố vấn, giám khảo, huấn luyện viên… sẽ có sức ảnh hưởng nhất định tới thành công của một ai đó. Nhiều người đã có thêm những cơ hội công việc, hợp tác tốt khi khẳng định được uy tín ở gameshow. Riêng về thù lao, chi tiết khiến nhiều người tò mò nhất, lại không hoàn toàn theo cách số đông phán đoán.

Các gameshow, kể cả có nhiều tài trợ, quảng cáo… thì hạn mức về giải thưởng, thù lao vẫn trong mức độ giới hạn. Nói một cách đơn giản, khó ai có thể giàu nhờ “chạy sô”. Chưa kể, để “lên sóng”, các văn nghệ sĩ đều phải tự đầu tư về mặt hình ảnh. Nếu không tìm được nguồn tài trợ, họ sẽ phải lo trang phục, trang điểm, phụ kiện…

Như NSƯT Xuân Bắc, khi dẫn chương trình “Vua tiếng Việt”, chúng tôi thấy anh thay đổi khoảng 6-7 bộ trang phục và phụ kiện. Hỏi ra, đó đều là tự túc. Đôi khi, mọi người cũng hay đùa, rằng ngày cả chục show như thế “tiền để đâu cho hết”, nhưng một nhân viên hóa trang đã nhẩm tính, khoản kinh phí nghệ sĩ bỏ ra là không hề nhỏ và để đánh đổi chừng ấy thù lao với thời gian vắng nhà biền biệt, sự căng thẳng khi phải cân đối việc cơ quan, quản lý với việc cá nhân thật chẳng dễ dàng.

1-1671421168398.jpeg

Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ (phải) trong gameshow “Vua tiếng Việt” phát sóng trên VTV3.

Bi hài nghệ sĩ “chạy”… gameshow! -0

Nhà văn Lữ Mai và Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ trong chương trình “Vua tiếng Việt”.

Cùng trong chương trình “Vua tiếng Việt”, nhà thơ – tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ đã không ngần ngại chia sẻ những tình huống bi hài. Vốn là một “ông bố bỉm sữa” chuẩn mực, tự tay chăm sóc tới… 4 cậu con trai. Bà xã anh rất bận rộn, lúc nào cũng rời khỏi nhà từ sáng sớm và trở về khi con đã ngủ say, nên việc “chạy sô” với Đỗ Anh Vũ thật nan giải. Đầu tiên, anh buộc phải thỏa thuận với ê-kíp về giờ giấc làm việc, sao cho bảo đảm giờ chăm con, đón con, gửi con… diễn ra thật nhịp nhàng, ăn khớp. Tiếp đến là vấn đề hình ảnh. Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ gần như là người duy nhất không biết đến phòng trang điểm của nhà đài bởi anh không đủ thời gian. Bởi lẽ đó, anh phải tự túc hoàn toàn, theo con mắt của mình, nhưng phải làm “hợp mắt” nhà đài nữa. Chiếc cặp của anh không chỉ tài liệu mà cả lược, áo, cà-vạt…

Có lần, vừa diện được bộ thật bảnh bao, bước ra khỏi cửa, đang lúi húi buộc dây giày thì cậu con út hiếu động đổ cả lon nước ngọt vào đầu bố. Không kịp sửa soạn từ đầu, anh cứ thế lao tới trường quay cho kịp giờ, trong lúc chờ chuẩn bị sân khấu, anh dùng nước thấm vào khăn cá nhân, xịt thêm nước tẩy cho sạch sẽ rồi dùng máy sấy xử lý tiếp.

Theo quan sát, có thể nhận thấy khoảng vài năm gần đây, gương mặt tham gia gameshow đã cân đối, đa dạng hơn trước. Nếu trước kia đa phần mang tính giải trí thì giờ thêm các nhà văn, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ các loại hình nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương…) Nghệ sĩ cải lương Hoàng Hải là gương mặt nổi bật. Năm 2018 trong chương trình “Cặp đôi hài hước”, anh kết hợp cùng ca sĩ Miko Lan Trinh đã tạo được ấn tượng từ các tiết mục hài duyên dáng mang hơi hướng truyền thống. Thế mạnh hát cải lương giúp họ trở thành đội có phong cách riêng không trộn lẫn. Các tiểu phẩm do cặp đôi này dàn dựng như: “Sầu riêng bốn mùa”, “ Ước mơ xanh”, “Vùng đất lạ”… đều được khán giả yêu mến. Hoàng Hải và Miko Lan Trinh đã nhận được 4 giải nhất tuần sau 11 vòng thi, là 1 trong 3 đội được vào vòng chung kết và nhận giải 3 chung cuộc sau đêm chung kết.

Sau gameshow này, Hoàng Hải tiếp tục cùng mẹ là nghệ sĩ cải lương Ngọc Dung tham gia “Sao nối ngôi” và tạo ấn tượng tốt đẹp. Các nghệ sĩ cải lương khác như Bình Tinh, Võ Minh Lâm trong nhiều game show cũng được khán giả mến mộ bởi tài năng và sự chuẩn mực khi lên sóng.

Sự xuất hiện đa dạng của văn nghệ sĩ ở tất cả các lĩnh vực là một gợi ý để gameshow nâng cao chất lượng hơn, giảm bớt các sự cố ngoài ý muốn và đặc biệt là mang lại cho công chúng, nhất là giới trẻ cách nhìn nhận, hưởng thụ những giá trị văn hóa phong phú, chất lượng, có chiều sâu hơn. 

Thụy Phương

Theo CAND Copy link

Tags: ,