Trước hiện tượng ông Võ Hoàng Yên công bố các video kéo lưỡi chữa lành bệnh cho người bị câm, bác sĩ khẳng định đó là hành vi phản khoa học.
Ông Võ Hoàng Yên trong một lần chữa bệnh cho người dân huyện Tiên Phước (Quảng Nam). Ảnh CTV
Chưa trường hợp nào bệnh câm được ông Võ Hoàng Yên chưa khỏi
Cho đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn cả nước, chưa ghi nhận trường hợp nào bị bệnh câm được ông Võ Hoàng Yên chữa khỏi, mặc dù ông đã từng chữa cho hàng ngàn người.
Trước đó, dư luận dậy sóng trước rất nhiều các video clip, quay cảnh những người câm điếc bẩm sinh được ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh bằng các động tác “vỗ tai”, “kéo lưỡi”, và ngay lập tức có thể nói được, dù chưa sõi.
Chính các video nói trên, được phán tán rộng rãi trên Internet và mạng xã hội đã tạp nên “cơn sốt” về “thần y” Võ Hoàng Yên. Rất nhiều người có người thân bị bệnh nan y, câm điếc tìm mọi cách để được gặp, nhờ ông Võ Hoàng Yên chữa trị.
Ngày 11.3.2021, trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Văn Lĩnh – Giám đốc bệnh viện Hồng Hà (Hà Tĩnh) khẳng định không thể chữa bệnh câm bằng cách kéo lưỡi bệnh nhân.
“Đó là một việc làm phản khoa học, không thể có tác dụng” – bác sĩ Nguyễn Văn Lĩnh khẳng định.
Theo bác sĩ này, nguyên nhân bệnh câm gồm do bẩm sinh, rối loạn ngôn ngữ hoặc do rối loạn các chức năng bên trong của cơ thể, hoặc trầm cảm. Một tác dụng phụ của thuốc, chấn thương, nhiễm trùng hoặc bệnh có thể gây mất cảm giác thính giác dẫn đến mất khả năng ngôn ngữ.
“Hầu hết những người bị câm là do bị điếc từ nhỏ. Nguyên nhân do trẻ bị điếc nên không thể nghe và bắt chước tiếng nói của người lớn” – bác sĩ Nguyễn Văn Lĩnh cho biết.
Để chữa bệnh câm, bắt buộc phải thăm khám, xét nghiệm để tìm nguyên nhân, từ đó xác định phương pháp điều trị. “Đây là căn bệnh nan y, rất nhiều trường hợp y học bất lực” – bác sĩ Lĩnh cho biết và khẳng định thêm việc thầy lang chữa bệnh câm cho tất cả mọi người chỉ bằng động tác kéo lưỡi là không có căn cứ khoa học.
Phóng viên hỏi vậy tại sao trên các video clip, một số trường hợp trẻ câm điếc nói được sau khi ông Võ Hoàng Yên “kéo lưỡi”, bác sĩ Lĩnh giải thích:
“Có hai khả năng xảy ra. Một là video dàn dựng, với các kịch bản chuẩn bị sẵn. Trường hợp thứ 2 là trẻ câm điếc vẫn có thể nói được một số từ đơn giản nhưng phát âm không chuẩn do trẻ không nghe được mà bắt chước theo khẩu hình của người khác. Trong mọi trường hợp, kéo lưỡi không thể đem lại bất cứ tác dụng gì đối với bệnh câm”.
Anh Nguyễn Khoa Trung (TP Vinh-Nghệ An) có con bị dị tật bẩm sinh, thần trí không bình thường và bị câm từ nhỏ, dù đã chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi. Nhiều năm trước, anh Trung đã đưa con vào Hà Tĩnh nhờ ông Yên chữa bệnh.
“Ông Võ Hoàng Yên đã kéo lưỡi cho con trai tôi khá nhiều lần, thời gian kéo rất nhanh, nhưng hoàn toàn không có tác dụng gì. Cháu sau đó về có cảm giác đau, sợ hãi.
Ông Yên liên tiếp kéo lưỡi cho rất nhiều người câm cùng một thời gian, tôi có quan sát nhưng cũng không thấy ai khỏi bệnh. Mỗi người phải nộp 100 nghìn” – anh Trung nói và cho biết thêm sau đó không nhờ ông Yên chữa nữa, vì không có hi vọng gì.
Theo Quang Đại
https://danviet.vn/bac-si-khang-dinh-ong-vo-hoang-yen-keo-luoi-chua-cam-la-phan-khoa-hoc-20210312064125307.htm