logo
banner top

Bác sĩ công bố cơ sở khoa học của cách chữa bệnh bằng giác hơi

Ngày đăng: 30/09/2019 17:14

Nghiên cứu khoa học thừa nhận mật ong có tác dụng trị lành vết thương, giác hơi có thể chữa được những bệnh lý về da.

Hội nghị khoa học Da liễu miền Nam do Bệnh viện Da liễu TP.HCM tổ chức tại TP.HCM vào ngày 29/9 đã công bố những báo cáo về căn cứ khoa học của một số cách chữa bệnh bằng giác hơi, dùng mật ong trị lành vết thương… Đây là những cách chữa bệnh dân gian, phổ biến trong đời sống của người Việt Nam hiện nay.

Mật ong làm lành vết thương và chống vi khuẩn

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Hoàng Liên – Bộ môn Da liễu, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) – cho biết, từ lâu mật ong được dân gian dùng làm thuốc trị nhiều loại bệnh nhưng đã bị lãng quên trước sự ra đời của kháng sinh. Tuy nhiên, hiện nay có xu hướng sử dụng mật ong trở lại, như trong điều trị bệnh da liễu, bệnh đường tiêu hóa, bệnh tim mạch…

Bac si cong bo co so khoa hoc cua cach chua benh bang giac hoi

Một diễn giả báo cáo tại Hội nghị khoa học Da liễu miền Nam 2019

Mật ong hiện được sử dụng để làm lành vết thương do phỏng, vết mổ sau phẫu thuật, vết loét chân do giãn tĩnh mạch, vết loét do tì đè. Mật ong cũng dùng để trị các bệnh viêm da như viêm da tiết bã, chàm thể tạng, hăm do tã, mụn trứng cá…

Có những tác dụng này là do mật ong có khả năng sản sinh ra chất Hydro peroxide – H2O2 (chất oxy hóa mạnh, được dùng để sản xuất oxy già) xuyên qua màng tế bào, sau đó kích hoạt quá trình làm lành vết thương.

Một cơ chế khác cũng được phát hiện: mật ong là hoạt hóa tín hiệu, thúc đẩy phản ứng chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào da.

Bac si cong bo co so khoa hoc cua cach chua benh bang giac hoi
Bệnh vảy nến trước (ảnh trái) và sau 1 tháng khi dùng mật ong (ảnh phải).

Mật ong được chứng minh có thể chống nhiều vi khuẩn khác nhau, kể cả với vi khuẩn đang kháng các loại kháng sinh thông thường. Cơ chế kháng khuẩn của mật ong được lý giải là nhờ vào sự phối hợp của nhiều thành phần trong mật ong như nồng độ đường cao, độ pH thấp, H2O2, MGO, antimicrobial peptide bee defensin-1…

Có hơn 200 loại mật ong trên thế giới. Trong mật ong có khoảng 200 loại hoạt chất. Mật ong để chữa bệnh có tiêu chuẩn nghiêm ngặt như phải qua chiếu xạ gamma, lọc và kiểm tra trong phòng thí nghiệm, đảm bảo không bị nhiễm khuẩn.

Bac si cong bo co so khoa hoc cua cach chua benh bang giac hoi
Mật ong được chứng minh có thể trị lành vết thương

Ngoài tác dụng chữa bệnh, mật ong cũng được sử dụng trong mỹ phẩm để giữ ẩm, làm dịu da, chống lão hóa da, dưỡng tóc…

Giác hơi chữa bệnh lý da như thế nào?

Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Chuyên – Bộ môn Da liễu, Đại học Y Dược TP.HCM – cho biết, giác hơi là một liệu pháp điều trị từ hàng ngàn năm, bắt nguồn ở Ai Cập cổ đại (năm 1.500 trước Công nguyên). Hiện nay có khoảng 135 nghiên cứu để chứng minh hiệu quả của giác hơi trong điều trị các bệnh lý, trong đó có bệnh về da.

Tác dụng chữa bệnh của giác hơi được cho là do khả năng điều hòa miễn dịch, kháng viêm và tăng lưu thông máu.  Giác hơi sẽ kích hoạt hệ thống enzyme heme oxygenase (HO-1) – hệ thống miễn dịch sinh ra để giúp cơ thể chống lại stress.

HO-1 khi được sinh ra sẽ có tác dụng chống oxy hóa mạnh, kháng viêm, điều hòa miễn dịch, giúp nhanh lành vết thương.

Bac si cong bo co so khoa hoc cua cach chua benh bang giac hoi
Dựa trên căn cứ khoa học, giác hơi được chứng minh có tác dụng chữa bệnh 

Trong y khoa, giác hơi được chứng minh có hiệu quả điều trị với một số chỉ định như nhiễm herpes zoster (zona thần kinh, giời leo); mề đay, mụn trứng cá thông thường, viêm da cơ địa, vảy nến…

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Chuyên nhận định: “Cách chữa bệnh bằng giác hơi nếu được thực hiện đúng chỉ định, đúng kỹ thuật, đảm bảo quy trình phòng tránh biến chứng thì giác hơi trị liệu có thể coi là một phương pháp dễ thực hiện, ít gây tổn hại cơ thể và có hiệu quả trong một số bệnh lý da”.

Bac si cong bo co so khoa hoc cua cach chua benh bang giac hoi
Một số loại giác hơi trị liệu trên thế giới

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hồng Chuyên, đa số các nghiên cứu chứng minh hiệu quả của  cách chữa bệnh bằng giác hơi trị liệu được thực hiện trên số lượng bệnh nhân còn hạn chế, vẫn cần thêm những bằng chứng về hiệu quả, tính an toàn của giác hơi trị liệu dựa trên các thống kê rộng lớn hơn.

Dù vậy, giác hơi trị liệu là một phương pháp đầy hứa hẹn trong tương lai, đặc biệt là với bệnh lý da. Các nhà lâm sàng cần làm quen và hiểu rõ hơn về phương pháp giác hơi trị liệu để tư vấn, giải thích và điều trị linh hoạt cho những bệnh nhân có nhu cầu tiếp cận.

Giác hơi trị liệu có phương pháp chính là giác hơi ướt (78%), giác hơi khô, giác hơi chuyển động, giác hơi nhanh, giác hơi kết hợp châm cứu…

Theo Hiếu Nguyễn

Theo Phụ Nữ Tp.HCM

Tags: ,