Không hài lòng về thân hình dù đã rất cơ bắp, một số đàn ông phương Tây tìm đến chất kích thích và đôi khi đánh đổi bằng mạng sống.
Miles không nhớ rõ chứng mặc cảm cơ bắp của mình bắt đầu từ khi nào. “Tôi nhớ là từ lâu đã muốn cơ thể đẹp hơn”, cựu binh Mỹ 35 tuổi, hiện sống ở Bỉ, nói.
Năm 13 tuổi, Miles dành nguyên một mùa hè cắt cỏ để có tiền mua một chiếc máy tập gym cũ. Chiếc máy có giá 1.000 USD nhưng Miles chấp nhận mua vì chưa đủ tuổi tới phòng gym. Với sự trợ giúp của máy móc, cậu bé ngày đó bắt đầu tập tạ và không giờ dừng lại.
Năm 24 tuổi, Miles trở về từ Afghanistan, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Anh bị ám ảnh về việc luyện tập và ăn uống nhằm tăng cơ bắp. Hàng ngày, Miles đặt chuông báo mỗi ba tiếng để nhắc bản thân ăn đúng giờ. Kể cả khi đang lái xe, chàng trai trẻ cũng tấp vào lề đường để ăn.
Cùng với thời gian, cơ thể Miles thay đổi rõ rệt. Cao 1,8 m và nặng 95 kg, anh vẫn muốn mình cơ bắp và “nạc” hơn nữa nên đăng ký tham gia một cuộc thi thể hình nghiệp dư. “Tôi thấy mình thật gân guốc và nam tính”, Miles kể lại cảm nhận.
Không chịu nổi ám ảnh về ngoại hình của bạn trai, người yêu Miles đề nghị chia tay. Đến năm 33 tuổi, Miles mất đi thêm một mối quan hệ vì lý do tương tự. Anh thấy mình như rơi vào bóng đêm nên càng tập luyện điên cuồng. Cả ngày, Miles nhịn đói, lao đầu vào tập sau đó về nhà, ăn thật nhiều rồi nôn ra hết. Mọi chuyện chỉ thay đổi cho tới một buổi tối, trong khi đứng xếp hàng mua đồ ăn, cựu binh nhận ra đã quá đủ. “Tôi thức dậy vào sáng hôm, hạnh phúc vì biết mọi thứ đã kết thúc”, Miles nói.
Ảnh: Alamy. |
Thuộc nhóm rối loạn mặc cảm hình thể, mặc cảm cơ bắp khiến bệnh nhân luôn cảm thấy mình phải trở nên to hơn, cơ bắp hơn. Rối loạn này chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới và đang có xu hướng gia tăng. Các chuyên gia ước tính khoảng 10-12% vận động viên tạ chuyên nghiệp xuất hiện các triệu chứng mặc cảm cơ bắp. Nghiên cứu công bố tháng 6 của Đại học California chỉ ra 22% đàn ông 18-24 tuổi có xu hướng rối loạn ăn uống do rối loạn này.
Tiến sĩ Jason Nagata, người đứng đầu công trình của Đại học California cho biết không phải ai nâng tạ 180 kg cũng là người mặc cảm cơ bắp. Mặc cảm cơ bắp là khi việc luyện tập chiếm hết thời gian của bạn, ảnh hưởng xấu đến mọi khía cạnh cuộc sống bao gồm công việc, gia đình, bạn bè.
Theo tiến sĩ Roberto Olivardia, chuyên gia hình ảnh bản thân nam giới từ Đại học Harvard, hình thể lý tưởng của đàn ông ngày càng trở nên to lớn và cồng kềnh hơn. Thời kỳ 1970, nam giới thường mảnh khảnh như Mick Jagger và David Bowie; quá cơ bắp thậm chí bị coi là xấu. Sang thập niên 1980, những cái tên như Ronald Reagan, Arnold Schwarzenegger và Sylvester Stallone xuất hiện. Hình tượng đàn ông siêu nam tính, mạnh mẽ trở thành xu hướng, được truyền tải qua những bộ phim như First Blood (1982), Predator (1987) và The Terminator (1984). Cuối năm 1990, phái mạnh phương Tây có xu hướng gầy đi một chút nhưng vẫn rất cơ bắp, như Brad Pitt trong bộ phim Fight Club. Ngày nay, hình ảnh những người đàn ông vạm vỡ tràn lan trên poster phim, tivi, mạng xã hội.
Chỉ vài tấm hình không dẫn đến mặc cảm ngoại hình. Theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Anh, hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra mặc cảm ngoại hình nhưng gene, mất cân bằng hóa học trong não và trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ có thể đóng vai trò nhất định. Ví dụ, một người dễ rơi vào tình trạng này nếu bị bắt nạt thời học trò, như Nathaniel Shaw 28 tuổi.
Thuở nhỏ, Shaw bị bắt nạt nên lớn lên lao đầu vào luyện tập. Từ một kẻ ngoài cuộc, Shaw trở thành người đàn ông vạm vỡ cao 1,7 m nặng 80 kg. Thế nhưng, anh vẫn không hài lòng, tự nhận xét cơ thể mình “giống như rác rưởi” mặc cho người xung quanh nói gì. Cuộc sống của Shaw chỉ xoay quanh phòng gym, đến mức bỏ bê việc học. Sau cùng, Shaw bị trầm cảm.
“Việc theo đuổi hình thể lý tưởng khiến họ không còn cuộc sống”, tiến sĩ Nagata lý giải. “Họ bị ám ảnh vì cơ bắp, không thể hoạt động một cách bình thường và điều này có thể dẫn đến trầm cảm”.
Do mặc cảm cơ bắp, một số người còn sử dụng các loại chất bất hợp pháp. Hai năm trước, Tony 23 tuổi, nhân viên của một nhà phân phối dược phẩm ở Dallas, bắt đầu dùng testosterone, equipoise và nandrolone. Nhờ những loại thuốc đó, cơ thể Tony ngày càng cơ bắp. Anh được người xung quanh khen to lớn nên cứ thế tăng liều.
Thực tế, mặc cảm cơ bắp có thể được thúc đẩy bởi củng cố tích cực đến từ những cá nhân khác trong phòng gym. “Đó là lý do mọi người nghiện thể hình sáu múi. Họ cảm thấy bất an nên cần sự xác nhận từ phía người khác”, Rich Selby 27 tuổi, vận động viên thể hình nghiệp dư ở Cardiff nói. Selby thừa nhận anh cũng bị mặc cảm cơ bắp nhưng may mắn kiểm soát được nhờ tự tin vào bản thân.
Trong số những đàn ông trẻ được Nagata tiến hành khảo sát, 2,8% thừa nhận dùng steroid bất hợp pháp. Tại Anh, khoảng một triệu người sử dụng thuốc tăng cường cơ bắp. “Steroid có thể dẫn đến bệnh tim, bệnh thận và bệnh gan”, tiến sĩ cảnh báo. Ngoài ra, thuốc cũng dẫn tới ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Người dùng có nguy cơ trở nên khó chịu, hung hăng, hoang tưởng, bạo lực.
Nhớ lại khoảng thời gian đen tối, Miles thừa nhận mặc cảm cơ bắp hủy hoại cuộc đời anh, từ các mối quan hệ cho đến sức khỏe. Trong khi đó, Tony, sau thời gian dài lạm dụng thuốc, bị rối loạn tâm trạng. Anh bị đuổi việc vì la hét với với đồng nghiệp trong phòng nghỉ. Tháng 5/2018, Tony quyết định bỏ mọi loại thuốc vì tinh thần quá xuống dốc.
Không may mắn như Tony, Freddie Dibben 28 tuổi qua đời tháng 3/2017 do sử dụng quá nhiều chất kích thích khiến tim tổn thương. Trước đó, anh cũng trải qua giai đoạn rối loạn tâm trạng, đôi khi đánh người khác.
Vấn đề của mặc cảm cơ bắp còn nằm ở chỗ bệnh nhân dễ dàng giấu giếm. Việc chăm chỉ tập gym, thường xuyên theo dõi cân nặng, tự chuẩn bị đồ ăn thường được xem là vô hại, thậm chí rất tốt. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu sâu hơn, bạn sẽ nhận ra những người đàn ông như tượng tạc kia đang dần dần làm hại chính mình.
Mặc cảm cơ bắp là một căn bệnh thầm lặng. Tiến sĩ Olivardia ước tính khoảng 10% đàn ông ở phòng gym gặp vấn đề này nhưng không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ. Thiếu sự can thiệp, họ có nguy cơ lún sâu hơn và không thoát ra. Như Tony đã tiếp tục dùng thuốc bất hợp pháp vì tin rằng “có thể sử dụng một cách an toàn”. Người nhà của Freddie, hẳn không đồng ý với suy nghĩ này.
Minh Nguyên (Theo The Guardian)