VietCapitalBank của bà Nguyễn Thanh Phượng ngược chiều chứng kiến lợi nhuận sụt giảm cho dù hoạt động huy động vốn và cho vay vẫn phát triển tốt và chiếm tới tỷ trọng lớn trong doanh thu của ngân hàng.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) vừa công bố báo tài chính quý 3/2019 với lợi nhuận sau thuế giảm gần 57% xuống chỉ còn 29 tỷ đồng, khá thấp so với vốn chủ sở hữu gần 3,7 ngàn tỷ đồng của ngân hàng.
Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này chỉ đạt gần 67,3 tỷ đồng, so với mức hơn 115 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Đây là kết quả kém tươi sáng nếu so với tình hình kết quả kinh doanh chung trong lĩnh vực. Hàng loạt ngân hàng, từ ngân hàng lớn cho tới nhỏ, công bố lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ.
Ông lớn Vietcombank (VCB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng tăng gần 52% lên mức kỷ lục trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, với gần gần 17,3 ngàn tỷ đồng, đạt hơn 85% kế hoạch cho cả năm. MBBank ghi nhận lợi nhuận 9 tháng đạt trên 7 ngàn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ; ABBank 9 tháng lãi gần 890 tỷ đồng, tăng gần 26%; SaigonBank ghi nhận lợi nhuận tăng gấp đôi so với cùng kỳ; SeABank đạt hơn 680 tỷ đồng, tăng 65%,…
Sở dĩ Ngân hàng Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng đạt kết quả thấp là do ngân hàng phải tăng mạnh chi phí hoạt động và hoạt động mảng ngoại hối trong 3 quý giảm mạnh từ mức 115 tỷ đồng xuống còn 19 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thanh Phượng. |
Hoạt động dịch vụ tăng khá mạnh so với cùng kỳ nhưng tỷ trọng vẫn thấp. Mảng tín dụng vẫn chiếm khoảng 90% trong tổng doanh thu của ngân hàng.
Một điểm đáng lưu ý nữa là do VietCapitalBank không công bố thuyết minh báo cáo tài chính do vậy chưa xác định được chất lượng tín dụng của ngân hàng này.
Trong vài tháng gần đây, VietCapitalBank của bà Nguyễn Thanh Phượng lọt nhóm các ngân hàng nâng lãi suất huy động lên mức cao nhất. Mức lãi áp dụng cho tuần lễ 20/10 vừa qua lên tới sát 9% cho các món gửi chỉ cần tối thiểu 100 triệu đồng.
Trước đó, một số ngân hàng cũng tăng mạnh lãi suất tiền gửi, trong đó SHB của ông Đỗ Quang Hiển đạt đỉnh thị trường với 9%/năm, nhưng áp dụng cho các khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn 13 tháng.
Nhiều ngân hàng đưa lãi suất lên trên 8% như nhóm: Sacombank, Eximbank, ABBank, SCB, Việt Á,…
Ngân hàng Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng có nhiều thay đổi sau hơn 6 năm bà Phượng rời vị trí chủ tịch. VietCapitalBank vừa được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán với mã BVB.
Thành viên HĐQT của VietCapitalBank hiện gồm 5 người cho nhiệm kỳ 2015-2020 gồm: ông Lê Anh Tài (chủ tịch), bà Nguyễn Thanh Phượng (phó chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Hoài Nam (thành viên), ông Ngô Quang Trung (thành viên kiêm TGĐ), ông Vương Công Đức (thành viên độc lập).
Thương hiệu Bản Việt cũng gắn với một công ty chứng khoán do bà Nguyễn Thanh Phượng làm chủ tịch đang phát triển khá tốt trong thời gian gần đây, bất chấp thời thế có thay đổi với một thị trường chứng khoán trầm lắng trở lại, không còn sôi động như các năm trước.
Chứng khoán Bản Việt của bà Phượng thậm chí còn bất ngờ vươn lên vị trí số 1 về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong quý 4/2018 với 17,04% thị phần, vượt qua Chứng khoán Sài Gòn (SSI) của ông trùm chứng khoán Nguyễn Duy Hưng (SSI 15%).
Một thương hiệu gắn với Bản Việt khác là Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Bản Việt (VCAM) cũng của bà Nguyễn Thanh Phượng.
Doanh nghiệp này vừa bị phạt vì không đảm bảo cơ cấu nhân sự tại bộ phận kiểm soát nội bộ theo quy định. Theo đó, bộ phận kiểm soát nội bộ của VCAM không có nhân viên có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về kế toán hoặc kiểm toán.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), trong phiên giao dịch 23/10, VN-Index mở cửa tăng nhẹ theo những tín hiệu từ thị trường chứng khoán quốc tế. Tuy nhiên, một số cổ phiếu blue-chips diễn biến tích cực như: GAS, Thế Giới Di Động, Vinamilk …
Các CTCK tiếp tục đưa ra những dự báo thận trọng.
Theo Rồng Việt, thị trường giằng co trong biên độ hẹp và ở trạng thái khá cân bằng. Mặc dù đang mùa công bố KQKD quý III của các doanh nghiệp nhưng tình hình giao dịch khá ảm đạm. Cơ hội trong ngắn hạn là không nhiều và nhà đầu tư lưu ý tập trung vào quản trị rủi ro danh mục.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/10, VN-Index tăng 0,6 điểm lên 987,79 điểm; HNX-Index giảm 0,36 điểm xuống 104,14 điểm và Upcom-Index giảm 0,19 điểm xuống 56,6 điểm. Thanh khoản đạt 200 triệu đơn vị, trị giá 3,8 ngàn tỷ đồng.
Theo V. Hà