logo
banner top

Vài triệu đồng một kg sâu ví như ‘đông trùng hạ thảo’

Ngày đăng: 28/02/2019 13:48

Được ví là “đông trùng hạ thảo” của Việt Nam, sâu chít bắt từ thân cây tre, chít đang được nhiều người săn mua với giá đắt đỏ.

Thời gian gần đây, thị trường rộ lên một loại sâu được mệnh danh là “đông trùng hạ thảo” của Việt Nam, nên dù giá đắt đỏ vẫn được nhiều người chi hàng triệu đồng để tìm mua.

Là người chuyên bán sâu chít, một loại sâu nằm trong thân cây chít, tre.., chị Hạnh ở Hà Nội cho hay, vì khó bảo quản nên chị thường bán sâu chít sấy khô, giá 3-4 triệu đồng một kg (tùy kích cỡ). Còn với loại sâu chít đã chẻ tách sâu ra khỏi đọt có giá hơn một triệu đồng. Tuy nhiên, loại này thường được bán chung khi ngâm chúng với rượu để đảm bảo chất lượng.

Sâu chít được bắt từ thân cây chít, tre. 

Sâu chít được bắt từ thân cây chít, tre. 

“Tình cờ trong một lần về Tây Bắc, được người dân ở đây giới thiệu về đặc sản này nên tôi mua về dùng thử, thấy ngon và tốt cho sức khỏe nên quyết định cung ứng sản phẩm này”, chị Hạnh nói và cho biết, mỗi tuần chị bán được 3-5 đơn hàng. Nhiều khách đặt với số lượng nhiều thì phải hẹn cả tuần, thậm chí cả tháng. Chị bán sản phẩm này được hai năm nay nên hàng đa phần được khách quen đặt, họ mua về ngâm rượu.

Cũng khá đắt khách khi rao bán sâu chít, chị Tuyết ở TP HCM cho biết, có tháng chị bán được 3-5 kg. Loại này đa phần là khách trong độ tuổi 50-70. Đây là loại ấu trùng sống trong thân cây chít – đặc sản nổi tiếng của Tây Bắc. Chúng có nhiều ở Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La. Để có hàng thường xuyên thì chị luôn phải ứng tiền trước cho người khai thác để họ có động lực tìm bắt. Mặt khác, khi có được hàng họ sẽ để dành cho chị chứ không bán cho người khác.

Thời điểm thu hoạch sâu chít từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Khi lấy sâu chít ra khỏi đọt cây, chúng sẽ được thả ngay vào chậu đựng rượu pha loãng để không bị biến chất và khiến sâu nhả hết chất bẩn. Sâu chít sau đó được sơ chế và bảo quản để sử dụng được lâu dài.

Chị Tuyết cũng cho biết, chính vì loài này có giá đắt đỏ, lại khó bắt nên trên thị trường nhiều sản phẩm sấy khô giả. Thông thường sâu chít khô thì có màu vàng, bên trong rỗng, có lớp mỡ bao quanh và dính. Còn với sâu tươi, thân mềm, toàn thân màu vàng, da mỏng, không chân, không có lông tơ, phần miệng và răng của loại này bé bằng đầu tăm có màu hơi đen.

Theo giới buôn bán sâu chít, loại côn trùng này có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ, đặc biệt là khả năng phục hồi thương tổn hệ miễn dịch sau chiếu xạ. Sâu chít còn giúp phục hồi các chỉ số sinh sản và bước đầu có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư có xạ trị. Sâu chít ở dạng sấy khô, tán bột có vị cam ngọt, tính ôn, theo quan niệm dân gian có công dụng như “đông trùng hạ thảo” – còn gọi là sâm chít. Nó có tác dụng bổ phế, bổ thận, tráng dương khí, an thần, dễ ngủ, chữa thận âm…

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress về công dụng cũng như tác dụng của loài sâu này, TS. BS Trương Thị Ngọc Lan, Viện phó Viện Y dược học dân tộc cho biết, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào cho rằng sâu chít là loại có tác dụng chữa bệnh và tốt cho sức khỏe như “đông trùng hạ thảo”.

Đây là loài côn trùng phát hiện trong thân cây, một khi chúng là động vật thì chứa nhiều protein do đó rất khó bảo quản. Nếu người dùng mua phải sản phẩm không chất lượng sẽ “tiền mất tật mang”. Trong khi đó, vì nhu cầu tăng cao nên người dân thi nhau lên rừng tìm bắt sâu chít và cách khai thác vô tội vạ đã khiến những đám lau, chít chưa có sâu bị chặt phá bừa bãi.

Theo Thi Hà

Theo VnExpress

Tags: ,