Gạt bỏ qua một bên những lí do như mâu thuẫn với Sir Alex Ferguson, hay việc không được nhận số 7 quen thuộc bởi nó đang “đóng đinh” với Raul Gonzalez, nhiều người nhận định việc Beckham tới Bernabeu như một sự thay đổi bản thân và tìm kiếm những thử thách mới.
Vụ chuyển nhượng Beckham từng tốn khá nhiều giấy mực của báo chí hồi năm 2003 (Ảnh: Marca)
Và rồi với 4 năm chinh chiến cùng “bầy Kền Kền”, ít ai dám phủ nhận rằng tiền vệ người Anh là số 23 lừng danh nhất thế giới, dù rằng trước đó, những Sol Campbell, Vivian Foe,… cũng đã ít nhiều gây dựng tên tuổi với con số này sau lưng.
16 năm sau, số 23 tiếp tục được nhắc đến ở Việt Nam, khi cầu thủ nổi tiếng nhất nhì dải đất hình chữ S Nguyễn Công Phượng tới đầu quân cho Incheon United. Có thể là khập khiễng khi so sánh một siêu sao thế giới với tài năng đất Việt, nhưng không phải không có điểm chung.
Công Phượng đang dần chứng minh được sự bản lĩnh của mình (Ảnh: CLB Incheon United)
Cả hai đều “xuất ngoại”, đều gây chú ý về chuyển nhượng và đều bỏ số áo quen thuộc để chọn con số 23. Nhưng trên hết, họ cùng có ý chí vượt qua cái bóng mà bản thân mình gây dựng.
Chính Công Phượng cũng đã khẳng định điều đó trong ngày ra mắt Incheon United với lời khẳng định “sẽ chứng minh cầu thủ Việt Nam không chỉ thi đấu ở mỗi V-League”.
Không phải lần đầu Công Phượng ra nước ngoài thi đấu. Nhưng ký ức khoác áo Mito Hollyhock cách đây 3 năm khiến tiền đạo gốc Nghệ An muốn quên đi. 12 tháng trên đất Nhật Bản, 80 phút ra sân, “ngôi sao U19” khi đó chỉ được nhớ đến như một cầu thủ chuyên phát tờ rơi, làm thương hiệu hơn đá bóng.