VKSND Cấp cao tại TP.HCM nhận định việc TAND TP.HCM tuyên buộc Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng là không có cơ sở pháp luật nên kháng cáo theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Ngày 11/2, nguồn tin từ VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho biết, cấp tòa này vừa kháng nghị bổ sung kháng nghị phúc thẩm của VKSND TP.HCM trong vụ kiện Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (công ty Ánh Dương – đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) đối với bị đơn công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (Grab).
Theo đó, VKSND Cấp cao đề nghị TAND cùng cấp xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Theo VKSND Cấp cao tại TP.HCM, chiểu theo Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là phải có hành vi trái pháp luật, có thiệt hại xảy ra, có mối quan hệ giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại, hành vi gây thiệt hại phải có lỗi.
Đại diện của Grab tại phiên tòa.
Trong khi đó, Grab là đơn vị vận chuyển hành khách có thẩm quyền của Nhà nước cho phép, Grab thực hiện việc kinh doanh dựa theo Đề án 24 của bộ Giao thông Vận tải và hoạt động kinh doanh của Grab không vi phạm pháp luật.
Cũng theo kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP.HCM, việc TAND TP.HCM căn cứ vào giám định thiệt hại của công ty Cửu Long xác định khoản thiệt hại thực tế của Vinasun là phiến diện, không có cơ sở thực tiễn và pháp lý. Từ đó đi đến nhận định Grab vi phạm pháp luật là không có cơ sở.
Việc Vinasun sụt giảm doanh thu liên quan rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan chứ không phải do lỗi của Grab. Việc các tài xế Grab bị xử phạt cũng như những hạn chế của doanh nghiệp này khi hoạt động tại Việt Nam (nếu có) không phải là nguyên nhân gây thiệt hại cho Vinasun. Do đó, Vinasun cho rằng Grab gây thiệt hại cho mình và đòi bồi thường trên 41 tỷ đồng là hoàn toàn không có căn cứ, nên không thể yêu cầu Grab bồi thường cho Vinasun.
Từ đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, TAND TP.HCM nhận định Grab có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho Vinasun để tuyên buộc Grab phải bồi thường 4,8 tỷ đồng của nguyên đơn là không có cơ sở pháp luật.
Trước đó, sau 6 lần mở tòa xét xử, đến sáng ngày 28/12/2018, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ tranh chấp giữa Vinasun và Grab. Tòa tuyên chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuyên buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn gần 5 tỷ đồng, không chấp nhận yêu cầu đòi Grab bồi thường 36,3 tỷ đồng cho Vinasun.
Đại diện của Vinasun
Sau bản án, cả Vinasun và Grab đều kháng cáo. Phía Vinasun kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm buộc Grab phải bồi thường 36,3 tỷ đồng còn lại cho Vinasun.
Trong khi đó, phía Grab kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị tòa cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Lý do là phía Grab cho rằng TAND TP.HCM không có thẩm quyền giải quyết vụ án này.
Phía Grab cũng “thòng” thêm trường hợp nếu tòa phúc thẩm không đình chỉ giải quyết vụ án thì Grab yêu cầu sửa án sơ thẩm, xác định Grab không kinh doanh vận tải, không vi phạm Đề án 24, Nghị định 86 và bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.
Ngoài ra, Grab còn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM, chuyển hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung vì TAND TP.HCM đã có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Grab.
Theo Công Thư