logo
banner top

Nghệ sĩ Trung Dân: “Lì xì bằng chuyển khoản là sự biến tướng xấu xí”

Ngày đăng: 12/02/2019 10:22

“Việc bỏ một ít tiền tuỳ theo tấm lòng của người biếu vào phong bao lì xì rồi đưa cho người mình muốn lì xì vừa gần gũi, vừa đẹp đẽ. Ấy vậy mà lại có nhiều người đòi lì xì bằng chuyển khoản. Đó là một sự biến tướng rất xấu”, nghệ sĩ Trung Dân nói. 

Trò chuyện với MC Nguyên Khang trong chương trình “Bốn mùa yêu thương”, khi bàn về văn hoá lì xì ngày Tết, nghệ sĩ Trung Dân cho rằng, văn hoá lì xì ngày Tết là một nét văn hoá rất đậm đặc ở một số quốc gia của Châu Á. Nét văn hoá này mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là vật chất. Bởi lì xì không đơn thuần chỉ là mừng tuổi mà nó còn thể hiện sự cầu chúc may mắn.

Bên cạnh đó, nó cũng hiện thực câu nói “lời nói đi đôi với việc làm”. Không chỉ có trẻ con thích nhận được lì xì mà người lớn cũng thích. Tuy nhiên, nét văn hoá này hiện đang bị mai một hoặc biến tướng.

Trung Dan.png

Nghệ sĩ Trung Dân trò chuyện với MC Nguyên Khang.

Nam nghệ sĩ thừa nhận, bây giờ nhiều người quan tâm đến số tiền trong phong bao lì xì nhiều hơn là ý nghĩa của nó.

“Mấy năm trước, khi tôi đi diễn ngày Tết thì có một diễn viên dắt con tới nói lời chúc mừng năm mới và tôi có lì xì lại. Tuy nhiên, tôi lì xì rất ít, chỉ mang tính tượng trưng. Hai đứa trẻ mở bao lì xì ra thấy ít liền tỏ thái độ liền.

Tôi thì tôi không trách hai đứa trẻ, tôi chỉ trách bố mẹ chúng sao không dạy con những điều tế nhị nhất. Văn hoá lì xì mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn chứ không phải nặng về vật chất”, nghệ sĩ Trung Dân nói.

Nam nghệ sĩ cho biết, ngày xưa, khi đi diễn vào dịp Tết, ông cũng được khán giả chạy lên lì xì. Tuy nhiên, theo nghệ sĩ Trung Dân, lì xì mà không kèm lời chúc không phải lì xì mà đó là cho tiền. Cho tiền thì không phải là nét văn hoá ngày Tết.

“Ông bà ta ngày xưa khi lì xì cho con cháu sẽ gọi con cháu lại bảo con cháu chúc rồi mới trao bao lì xì kèm lời chúc cho từng cháu. Cháu này thì chúc mạnh giỏi – chơi ngoan; cháu này thì chúc nhanh lớn – học giỏi… Và ngược lại, người nhỏ cũng được phép lì xì lại cho người lớn. Chẳng hạn, ba má tôi, khi nào về Tết, sau khi chúc xong tôi cũng lì xì cho ông bà cả.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, nhiều người lại lợi dụng chuyện lì xì để “mua lòng” sếp hòng để được thăng quan tiến chức. Tôi cho đó là một dạng biến tướng của lì xì”.

Li xi 2.png

Nghệ sĩ Trung Dân cho rằng, văn hoá lì xì đang có dấu hiệu biến tướng.

Nam nghệ sĩ khẳng định, văn hoá lì xì thời đại nào cũng chứa đựng ý nghĩa tốt đẹp. Nhưng lại đang có nhiều người làm biến tượng văn hoá đẹp đẽ này. Đó chính là những biến tướng mang tính tiêu cực trong xã hội.

Theo nghệ sĩ Trung Dân, thấy con cái đạt điểm không tốt, ngày Tết cha mẹ lân la cô giáo – thầy giáo để chúc Tết kèm lì xì thật nhiều tiền. Việc lì xì này đã có sự tính toán ở trong đó và như vậy là làm lệch lạc đi ý nghĩa của nét văn hoá lì xì ngày xuân.

“Việc bỏ một ít tiền tuỳ theo tấm lòng của người biếu vào phong bao lì xì rồi đưa cho người mình muốn lì xì vừa gần gũi, vừa đẹp đẽ. Ấy vậy mà lại có nhiều người đòi lì xì bằng chuyển khoản. Đó là một sự biến tướng rất xấu. Nó làm mất đi ý nghĩa màu đỏ của phong bao lì xì, là màu của ánh sáng, màu của sự may mắn.

Tất nhiên, dần dần rồi mọi người cũng buộc phải làm quen với những hình thức đó. Tuy nhiên, nếu như thế thì nó mất đi điểm son của ngày xuân và càng không nên lấy nét văn hoá đó để trục lợi. Lì xì là nét văn hoá ông bà đã truyền trao và con cháu phải cố công gìn giữ”, nghệ sĩ Trung Dân nhấn mạnh.

Nam nghệ sĩ cũng cho rằng, bây giờ thời đại công nghệ số nên trẻ con khi tiếp xúc với tiền là tiếp xúc với số. Vì thế, thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp cảnh con trẻ mở phong bao lì xì người lớn trao ra để kiểm tra xem số tiền lì xì ít hay nhiều. Những đứa trẻ nào nhận được tiền ít mà bày tỏ thái độ luôn thì người lớn cần phải xem lại phương pháp dạy con.

Li xi 3.png

Nói về những lời chúc nhau đầu năm, nghệ sĩ Trung Dân bày tỏ, khi chúng ta nghĩ ra một lời chúc đầy tâm huyết để chúc người thân, bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp… khi gặp nhau, nhìn thấy người nhận được lời chúc vui vẻ, chúng ta cũng vui vẻ theo.

Tuy nhiên, nếu ngày xưa, khi nghe được những lời chúc từ phía người thân – bạn bè, người ta thích thú và xúc động bởi đó là những lời chúc tự đáy lòng thì bây giờ người ta không còn nhiều cảm giác đó nữa.

Lí do là bởi bây giờ người ta toàn chúc nhau theo kiểu “công nghiệp” tức là copy của nhau. Thậm chí, nhiều người còn copy một lời chúc duy nhất rồi gửi qua mạng xã hội cho hàng nghìn người. Điều đó cũng làm mất đi tình cảm của người chúc và nét đẹp của lời chúc ngày xuân.

Theo Hà Tùng Long

Theo Dân Trí

Tags: ,